Hôm 27/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã gợi ý về việc ban hành lệnh cấm tiêu thụ thịt chó, khi những tranh cãi xoay quanh vấn đề quyền động vật ở nước này ngày càng thu hút sự chú ý.
Bà Park Kyung Mee, người phát ngôn của tổng thống ngày cho biết ông Moon đưa ra nhận định trên sau khi Thủ tướng Kim Boo Kyum trình bày về nỗ lực cải thiện cách xử lý động vật bị bỏ rơi và hệ thống đăng ký vật nuôi.
"Sau khi nghe Thủ tướng Kim trình bày, Tổng thống Moon đã cân nhắc đến việc áp đặt lệnh cấm tiêu thụ thịt chó", theo bà Park Kyung Mee, phát ngôn viên của Tổng thống Moon.
Phát ngôn của tổng thống đã tạo nên những cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này. Bởi lẽ, từ rất lâu, thịt chó đã ngấm sâu trong văn hóa của người dân xứ sở kim chi.
Vì sao người Hàn Quốc ăn thịt chó?
Trong quá khứ, người Hàn Quốc chủ yếu làm nông. Nguồn thịt khan hiếm và đắt đỏ. Thịt chó lại cung cấp nhiều protein và rẻ hơn so với thịt lợn, thịt bò. Do đó, họ hình thành thói quen ăn thịt chó. Dù ngày nay, thịt chó không còn rẻ như thế và đôi khi còn đắt hơn thịt lợn, thịt bò.
Nhiều tài liệu cũng nói người Hàn Quốc đã ăn thịt chó từ hơn 1.000 năm trước. Trong lịch sử, chó ở Hàn Quốc cũng được xem là gia súc chứ không phải thú cưng.
2 mùa tốt nhất để ăn thịt chó là mùa xuân và mùa hè. Nhiều người tin thịt chó giúp tăng cường thể chất trong cái nóng mùa hè. Ngoài ra, cũng nhiều người nghĩ thịt chó tốt cho sinh lý đàn ông.
Thịt chó ở Hàn Quốc là vấn đề nhạy cảm. Ảnh: Salon. |
Theo Korea Expose, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra xoay quanh câu chuyện này. Ban đầu, những người phản đối công kích các chủ trại chó vì điều kiện nuôi nhốt thiếu vệ sinh. Sau đó, họ dần chuyển sang các động thái mạnh mẽ hơn như ký giấy yêu cầu loại bỏ hoàn toàn loại thực phẩm này.
Tuy nhiên, sự phản đối này cũng không đi đến kết quả rõ ràng nào. Thậm chí, trước Thế vận hội mùa đông 2018, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu 12 nhà hàng bán thịt chó ở khu vực Pyeongchang đóng cửa trong thời gian diễn ra sự kiện. Dù vậy, các nhà hàng này đến nay vẫn tiếp tục hoạt động bởi nhu cầu của khách hàng.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Thế vận hội mùa hè Seoul 1988. Cộng đồng quốc tế từng gây áp lực để người Hàn Quốc bỏ thịt chó nhưng bất thành. Thậm chí, theo National Geographic, người Hàn Quốc khi ấy còn giết và ăn nhiều thịt chó hơn để phản đối "những kẻ nước ngoài đang cố can thiệp vào đất nước họ".
Ngành công nghiệp tàn bạo
Theo tổ chức Wildhearts Recuse and Photography, những người từng đến trại chó thịt ở Hàn Quốc miêu tả đó là khung cảnh "tàn ác, vô nhân đạo". Chó bị nhồi nhét trong lồng, phải ăn những thứ bẩn thỉu, kể cả phân hay thịt chó chết.
Chó phải trải qua nhiều sự tra tấn trước khi chết. Ảnh: USA Today. |
Những con chó sống sót qua thời gian ở trại cũng có số phận bi đát không kém. Chúng bị đem đến lò mổ và tra tấn tàn bạo. Một số chi tiết được tổ chức này kể lại như chó bị treo cổ, giật điện trong nước. Quá trình đau đớn này kéo dài trong 2-3 phút.
Nhiều cơ quan truyền thông phương Tây chỉ trích cách đối xử tàn bạo với chó ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, tổ chức Wildhearts Recuse and Photography cho biết cách những con gia súc bị đối xử ở trang trại phương Tây cũng không khá khẩm gì hơn, thậm chí là tệ hơn thế.
Người Hàn có thực sự mê thịt chó?
Nhìn chung, thịt chó ở Hàn Quốc không còn phổ biến như xưa. Bạn sẽ không thể tìm thấy một biển quảng cáo nổi bật nào về loại thực phẩm này. Nó giống như một sự "lấp lửng về pháp lý" - theo Korea Expose. Thịt chó không hợp pháp và cũng không bất hợp pháp.
Ở Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn phân loại chó là vật nuôi. Tuy nhiên, Bộ Thực phẩm và Thuốc không chính thức xác định nó là thực phẩm hay không. Ngay cả phát ngôn của tổng thống nước này cũng chưa thực sự rõ ràng về một lệnh cấm thịt chó.
Bonistang với nguyên liệu chính là thịt chó. Ảnh: Pinterest. |
Tuy nhiên, có một thứ khá rõ ràng là tư tưởng của lớp trẻ Hàn Quốc. Họ phản đối thịt chó và lượng người ăn món này cũng giảm đáng kể. Trong một cuộc khảo sát năm 2017, 70% người được hỏi nói không ăn thịt chó. Trở lại 20 năm trước, con số này chỉ vỏn vẹn 20%.
Hiện nay, đa số người ăn thịt chó là lớp trung niên, người già (khoảng 50 tuổi trở lên). Đây là những người đã quen với văn hóa của thế kỷ trước. Không dễ để họ chấp nhận từ bỏ món ăn ưa thích chỉ vì lời nói từ những người xa lạ.
Trong khi đó, những người trẻ tiếp nhận nhiều tư tưởng mới. Họ coi chó là bạn đồng hành và không ăn thịt chúng.
Bên trong trại nuôi chó thịt ở Hàn Quốc. Ảnh: Mirror. |
Các nhà hàng thịt chó cũng không "phô trương" như xưa. Chúng nằm trong các con hẻm, không biển hiệu rõ ràng. Đa số không đề biển thịt chó, súp chó mà ghi "bosintang" (tạm dịch: súp bổ). Tuy nhiên, ai cũng hiểu đây là cách nói tránh của súp chó - món ăn nhiều người Hàn Quốc yêu thích.
Dù xu hướng không ăn thịt chó đang ngày mạnh mẽ hơn, vẫn không ít người Hàn Quốc từ chối tiếp nhận lối suy nghĩ này.
Joo Young-bong, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân Thịt chó Hàn Quốc, từng cáo buộc các nhóm ủng hộ quyền động vật lợi dụng chó như cách để kêu gọi tiền quyên góp.
Ông nói: "Thịt chó là một phần của ẩm thực truyền thống Hàn Quốc. Gà cũng là loài động vật dễ thương. Tại sao các bạn lại tiêu chuẩn kép chỉ vì đây là chó?".
Giải pháp nào cho người ăn thịt chó?
Khi chính quyền chưa lên tiếng, mọi sự phản đối đều không thực sự có tác dụng.
Tuy nhiên, nhiều người đang nghĩ cách tốt hơn để thay đổi thứ văn hóa lâu đời này. Thay vì chỉ trích, phản đối, họ tìm cách chiều theo khẩu vị người ăn súp chó, thịt chó bằng món ăn tương tự và không kém phần bổ dưỡng.
Đầu tháng 7, đầu bếp Ahn Baek-Rin là người ủng hộ Humane Society International (Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế) trong việc tạo ra các món ăn không thịt chó. Thay vì sử dụng thịt, Ahn đã ra mắt công thức nấu súp bằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tên là chobok.
Nó được chế biến cùng nhiều nguyên liệu có trong súp chó nổi tiếng ở Hàn Quốc. Món ăn giúp cơ thể người mát mẻ trong mùa hè và không gây đau đớn cho chó.
Món súp thực vật được xem là sự thay thế tốt cho súp chó. Ảnh: Brain Study. |
Công thức này được công khai trên nhiều phương tiện truyền thông. Nó làm từ sốt boshin, rau, hạt điều, nấm hương, nấm thông, nấm bờm sư tử, sốt ớt Hàn Quốc, dầu mè, nước tương và ớt bột. Tính tới cuối tháng 8, đầu bếp Ahn còn cho ra mắt thêm 2 công thức súp jungbok và malbok để người thích súp chó có thêm lựa chọn thay thế.
Theo Humane Society International, các công thức này không chỉ đem lại lợi ích cho chó. Nó thực sự tốt cho sức khỏe con người. Việc nuôi nhốt chó trong điều kiện thiếu vệ sinh dễ gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Ngoài ra, các thí nghiệm cho thấy trong thịt chó chứa lượng lớn vi khuẩn có hại và thuốc kháng sinh. Chúng được người nuôi sử dụng để trị nhanh bệnh cho chó trong điều kiện nuôi nhốt động vật kém tại các trang trại.
(Theo Zing)
Sợ bệnh tật, người Campuchia bắt đầu nói không với thịt chó
Hồi tháng 7, Siem Reap trở thành địa phương đầu tiên tại Campuchia cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó. Dịch Covid-19 khiến nhiều người trở nên e ngại với thịt động vật "lạ".