- Khi được đề nghị chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu lịch sử của mình, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói rằng con đường đưa ông đến với lịch sử vốn đã là một câu chuyện khác thường, đầy duyên số và không ít đam mê.
Từ một cậu sinh viên tự nhận mình “không biết gì về lịch sử”, ông trở thành một trong những giáo sư sử học đầu ngành của Việt Nam với nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao.
Dưới đây là câu chuyện mà phóng viên ghi lại qua lời kể của ông.
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc |
"Tôi là một học sinh nông thôn trong thời kỳ chiến tranh. Nói chung các môn khoa học xã hội lúc ấy tôi không giỏi. Lúc ấy ai cũng lo sơ tán, chiến tranh nên chẳng có ai quan tâm mấy cái đó. Tôi lại thích học toán. Tôi là học sinh chuyên toán ở trường.
Lúc đó vào đại học không phải thi. Người ta cứ đọc học bạ, xem xét, đánh giá gì đó rồi cứ thế xếp vào trường thôi. Tôi được xếp vào Đại học Tổng hợp. Tôi cứ nghĩ chắc là mình phải vào khoa toán. Tôi tìm mãi danh sách từ đầu đến cuối, từ cuối lên đầu chẳng thấy có tên mình. Thế rồi mấy đứa bảo nhau tìm sang các khoa tự nhiên. Tìm sang lý, hóa cũng không có. Tìm toét cả mắt các khoa tự nhiên cũng không có.
Thế mới nghĩ là chắc người ta nhầm, thôi đi về. Sau mấy ông lại bảo nhau thử tìm sang các khoa xã hội xem sao. Nghĩ bụng làm gì có chuyện mình đi học xã hội, có biết gì đâu mà học. Đùng một cái đứa bạn bảo “đây, tên mày rõ ràng, mày ở khoa sử”.
Tôi thất vọng lắm, nghĩ là chắc nhà trường người ta đánh nhầm tên thế nào, chứ mình biết gì về sử mà vào học sử. Thế là tôi về quê. Các thầy trong trường cứ cười, bảo cậu này sao cái số long đong thế, sao người ta lại cho cậu vào học sử, cậu vào học sử thì cậu học được cái gì.
Sau đó, nhà trường còn lên đến tận Ty Giáo dục Hải Phòng để xin cho tôi cái đề nghị gửi lên ĐH Tổng hợp cho được sang khoa toán. Thế là tôi lên trường báo cáo, trường cũng đồng ý, nhưng đồng ý theo cái kiểu rất đơn giản, nghĩa là họ ký vào cái đơn tôi làm có xác nhận của Ty Hải Phòng, của trường cấp 3 Ngô Quyền… Rồi tôi lên phòng giáo vụ, họ nhìn xong cái học bạ rồi bảo “đúng, thằng này thì làm sao mà học sử được”. Thế là đồng ý cho chuyển sang khoa toán. Chỉ ghi đồng ý thế thôi. Thế nhưng dạo ấy trường sơ tán. Tôi thì ở Mễ Trì nhưng khoa toán học ở mãi Đông Anh. Thế rồi nghĩ, thôi được rồi, cứ ngồi đây để mấy hôm nữa tiện rồi sang, vì hồi đấy sang Đông Anh cũng không phải là dễ.
Đúng lúc ấy thì khoa sử vào học. Lớp học chẳng có gì, không có bàn ghế. Một cái nhà ở tầng 3, tầng 4 gì đấy thì bị bom đánh một nửa tan hoang. Học trò vào ngồi chờ thầy đến dạy. Toàn là ngồi tựa vào tường, chẳng có chiếu gì đâu, ngồi xuống đất thôi.
Đến giờ, thấy có một ông xách cái túi tung tẩy đi vào. Cả lớp đứng dậy chào, ông ấy làm câu “Thôi, các ông các bà ngồi xuống”. Tôi nghe thấy lạ tai, sao lại có một ông thầy vào lớp bảo các ông, các bà ngồi xuống.
Sau ông dạy thì cứ thế ông nói, nói trời nói biển, nói đủ các kiểu. Mà tôi nghĩ bụng, đời mình chưa từng nghe một ông nào nói hay như thế. Nói thượng vàng hạ cám, ông bảo ông là người phải bắt hòn đá câm phải nói lên tiếng, nói hùng hồn… Người thầy đó là GS. Trần Quốc Vượng.
Sau khi nghe bài giảng của GS, tôi mới nghĩ “ừ, có khi sử nó cũng hay đấy!” Thế là tôi ở lại nghe buổi nữa xem sao, dù sao khoa toán cũng chưa học. Thế là ở lại nghe buổi nữa.
Tôi phải nói lại là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với cái kiểu dạy sử mà sao nó lạ thế, chưa bao giờ mình thấy như vậy cả và cũng chưa học môn nào thấy hay đến thế, mà đấy là thầy nói về khảo cổ, về mấy hòn đá. Tôi còn nhớ mãi thầy kể phải lật từng hòn đá, phải lật các trang sách đất để đọc các trang sách đời, rồi các thứ khác…
Phải nói là qua bài học của thầy Vượng, tự dưng tôi thấy thích sử, rồi nghĩ hẵng cứ ngồi lại để rồi xem xem học thế nào. Thực ra lúc đó tôi đã có cái xác nhận là được chuyển sang bên toán rồi, chỉ cần cầm cái giấy đó sang bên kia là người ta ghi tên mình vào thôi. Thế rồi mình quyết định ở lại học. Có lẽ là vì nghe ông thầy dạy sử giảng như thế thì mình thích chăng, chỉ thế thôi. Rồi do mình thích nên mình cũng hay hỏi các thầy, thế rồi các thầy cũng hay quan tâm.
Rồi đến khi GS. Phan Huy Lê vào dạy, bọn tôi cũng hay hỏi các cụ. Hồi đấy các thầy vẫn còn trẻ lắm.
Cứ như vậy rồi các thầy quý mình, bảo ‘ừ thôi, thằng này có vẻ có tư chất học sử đấy nhỉ. Thôi cứ đi học đi rồi sau này ở lại đây tiếp tục làm cái nghề này, các thầy sẽ hướng dẫn”. Ngay từ năm đầu các thầy đã nói với tôi như thế. Thế rồi từ đó sử trở thành đam mê của tôi và tôi rất thích học.
Như trường hợp của tôi là một trường hợp rất khác, không có biết gì, hiểu gì về khoa học xã hội cả nhưng chỉ vì thích bài giảng của thầy thôi mà tôi quên đi tất cả để theo cái ngành này. Tôi đã ở đây từ năm 1969 cho đến giờ và có lẽ là tôi thấy mình lựa chọn như thế là đúng".
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Hiện ông cũng đang nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách phục vụ đào tạo và sau đại học. |
Nguyễn Thảo - Ngân Anh (Ghi)