Có cả một câu chuyện lịch sử đằng sau những nhân vật sát thủ hư cấu nổi tiếng. Trước khi Assassin's Creed Origin đưa chúng ta đến với truyền thuyết đằng sau Hội Sát thủ trong Assassin's Creed ra mắt vào tháng 10 tới, chúng tôi xin được giới thiệu những khám phá thú vị về phe phái bí mật đã truyền cảm hứng cho toàn bộ series: Hội sát thủ Hashashin thời Trung cổ.
Câu chuyện về Bayek và hành trình xuyên Ai Cập sẽ kể về nguồn gốc những Sát thủ của Ubisoft, được truyền cảm hứng dựa trên hình tượng một tổ chức sát thủ gián điệp có thật.
Nguồn gốc của Hội sát thủ Hashashin
Theo cuốn sách “Saladin và sự sụp đổ của vương quốc Jerusalem”, Hashashin (tiếng Ả Rập và Ba Tư gọi là Assassin) có nguồn gốc từ Syria (Nam Iran ngày nay), thành lập vào năm 1094 dưới sự lãnh đạo của một nhà truyền đạo nổi tiếng có tên Hassani Sabbah với mục đích chống lại kẻ thù nhân tình hình chính trị và tôn giáo bất ổn tại vùng Thánh Địa.
Sabbah đã chọn pháo đài ở Alamut - một nơi vững chắc và có khả năng phòng thủ cao để thành lập tổng hành dinh cho Hội. Nhờ vào uy tín của mình, không khó để Sabbah có được những người ủng hộ trung thành. Không lâu sau khi ổn định ở Alamut, Hashashin (được coi là thành viên của Nizari Ismailis, một nhánh của người Hồi giáo Shia truyền thống) bắt đầu sử dụng gián điệp tình báo và ám sát để chiếm được địa vị chính trị vững chắc và trừ khử kẻ thù. Điều này đã mở đường cho sự phát triển lớn mạnh sau này của hội.
Quyền lực ngày càng lớn mạnh
Hashashin đã nắm giữ và kiểm soát được vài pháo đài tương tự dọc theo những dãy núi ở Syria, quy mô và sức ảnh hưởng của họ ngày càng lớn. Với việc coi trọng huấn luyện thành viên mới, Hashashin nhanh chóng trở nên nổi trội và khét tiếng khắp vùng. Theo “Ông già vùng núi” (The Old Man of the Mountain), chỉ những người giỏi nhất trong số những người giỏi mới có thể trở thành sát thủ.
Những thành viên có nhiệm vụ ám sát được huấn luyện một cách toàn diện, không chỉ chiến đấu giỏi mà còn có trí tuệ xuất sắc. Các vụ ám sát được giao đòi hỏi một kế hoạch tỉ mỉ, linh hoạt để tránh được sự canh chừng nghiêm ngặt của kẻ thù và tiến gần hơn đến mục tiêu. Những sát thủ đồng thời phải trẻ và có thể chất tốt để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và bí mật. Trong trường hợp không cần thiết phải trừ khử mục tiêu, những người khác trong Hội sẽ sử dụng những đòn tra tấn không gây chết người, chẳng hạn như tra tấn tâm lý.
Hashashin muốn thể hiện mình là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với quân đội Cơ đốc giáo, điều này đã dẫn đến sự bùng nổ các cuộc xâm lược vào năm 1095, đánh dấu sự bắt đầu của Cuộc thập tự viễn chinh đầu tiên. Hashashin thường được giao nhiệm vụ tiêu diệt người cầm đầu và những nhân vật quan trọng trong bộ máy của kẻ thù, và họ vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quân thập tự nhắm vào mục tiêu là Hassan-I Sabbah và Hội của ông nhưng sự thật là họ chẳng lần nào thắng trận dù đã từng tham gia chiến tranh cùng những nhóm người Hồi giáo khác trên vùng Đất Thánh. Theo “Hassan-i-Sabbah và Assassin”, khi Sabbah lâm bệnh và mất vào năm 1124 (hưởng thọ 90 tuổi - tương đối cao so với người Trung cổ), một thủ lĩnh mới đã đứng lên lãnh đạo Hashashin tiếp tục thực hiện những vụ ám sát, chống lại Quân thập tự và bè phái Hồi giáo đối đầu trong hơn một trăm năm.
Thời kỳ suy tàn và cái kết
Sau cái chết của người sáng lập, sự thành công của Hashashin không kéo dài được lâu. Trong “Sự bành trướng của quân Mông Cổ tại Châu Á” (The Mongol campaigns in Asia) có ghi lại, quân Mông cổ bắt đầu đánh chiếm Syria vào những năm 1240, cuộc giằng co diễn ra trong gần một thập kỷ, cuối cùng vào năm 1253 chúng cũng lấy được Syria, pháo đài Hashashin bị bao vây. Những cuộc tấn công này đã khiến Hội sụp đổ, khi quân Mông Cổ giáng một đòn quyết định trước năm 1256, tất cả các pháo đài (bao gồm cả tổng hành dinh Alamut) bị phá hủy. Hashashin lúc này lâm vào tình cảnh thê thảm, chỉ còn biết bám víu vào chút ít đất đai và quân số còn lại.
Vào năm 1275, khi các lực lượng Hồi giáo đuổi được quân Mông Cổ ra khỏi Alamut, Hashashin đã nhanh chóng giành lại pháo đài. Nhưng sau đó nhóm này chỉ núp dưới cái bóng của những người sáng tạo ra nó, chứ không đủ hùng mạnh để quay về thời huy hoàng như trước đây nữa. Người ta cho rằng trong khoảng thời gian này Hội đã phải giải tán. Từ đó trở đi không có một ghi chép chính thức nào nữa, nhưng nhiều tin đồn cho rằng một số sát thủ Hashashin còn sống sót đã trở thành lính đánh thuê.
So sánh game và đời thực
Những người hâm mộ kỳ cựu của sê-ri Assassin’s Creed đều biết rằng những sát thủ Hashashin đã được hình tượng hóa vào game. Đặc biệt, họ là giáo phái chúng ta đã bắt gặp trong game đầu tiên từ năm 2007.
Nhiều thông tin về nguồn gốc lịch sử của Assassin's Creed thực ra khá chính xác, có một sự khác biệt lớn giữa những sát thủ Hashashin ngoài đời thực và Hội sát thủ Assanssin Brotherhood của Ubisoft.
Đầu tiên, Hashashin không bao giờ đội mũ trùm đầu như những sát thủ Assassin. Cải trang là việc cốt yếu để thực hiện kế hoạch, nhưng những sát thủ Hashashin chọn cách cải trang sao cho giống người bình thường nhất có thể, và còn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Một sát thủ Hashashin được giao cho cuộc ám sát trên đường sẽ mặc quần áo nông dân; nếu vụ ám sát diễn ra trong một bữa tiệc sa hoa, sát thủ sẽ mặc bộ quần áo cải trang đắt tiền.
Thứ hai, hai hội có những lý tưởng về cơ bản khác nhau. Trong khi Hashashin đấu tranh cho tín ngưỡng Shia và giúp Hassan-i Shabbah chống lại thế lực chính trị thù địch của mình thì động cơ của Hội sát thủ Assassin là bảo vệ thế giới. Họ chiến đấu để vì tự do và chủ nghĩa cá nhân.
Cuối cùng, theo tất cả các ghi chép, Hashashin không bao giờ sử dụng loại kiếm được che giấu giống như sát thủ của Ubisoft. Nhiều tài liệu, ví dụ “Nhà luật học và những sát thủ” (The Templars and the Assassins) chỉ ra rằng những sát thủ Hashashin có sử dụng những con dao găm nhỏ được giấu kín.
Ở đây bạn đã thấy: Lịch sử thật sự đằng sau Assassin's Creed. Bạn nghĩ gì về cách Ubisoft xây dựng hình tượng Assassin Brotherhood dựa vào những sát thủ có thật trong lịch sử?
Theo GenK