Ứng dụng gọi đồ ăn Now mới đây thông báo đến người dùng và tài xế về việc đổi tên thương hiệu thành ShopeeFood. Thêm vào đó, dịch vụ vận chuyển NowShip sẽ đổi tên thành ShopeeExpress Instant. Việc thay đổi hệ thống nhận diện được áp dụng từ ngày 18/8.

{keywords}
Một tài xế Now tren đường phố TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

Trước khi đổi tên thương hiệu, Now đã có mặt trên ứng dụng Shopee. Người dùng có thể dùng ứng dụng Shopee để đặt đồ ăn thông qua Now mà không cần cài đặt phần mềm Now. Đến thời điểm hiện tại, Now trên Shopee đã đổi tên thành Thực phẩm giao ngay, một tính năng của Shopee.

Trước đây, ví AirPay tại Việt Nam cũng được đổi tên thành ShopeePay.

Điều này cho thấy Shopee đang muốn thống nhất hệ sinh thái, tạo thành một hệ thống nhận diện xuyên suốt tại Việt Nam và trên toàn khu vực.

Hiện nay ShopeeFood đã có mặt tại Malaysia và Indonesia. Như vậy tại Việt Nam và Đông Nam Á, Shopee đang nhảy vào cạnh tranh với GrabFood và GoFood.

Now là ứng dụng lâu đời nhất tại Việt Nam so với các nền tảng hàng đầu hiện nay, gồm GrabFood, GoFood, Baemin. Now trước đây có tên gọi là NowFood, một nhánh của Foody, bắt đầu kinh doanh từ năm 2015.

Foody thành lập vào năm 2012 dưới dạng trang cung cấp thông tin, đánh giá các hàng quán tại Việt Nam. Sau đó, Foody mở rộng sang dịch vụ đặt bàn và giao đồ ăn. Năm 2017, Sea Group - công ty mẹ của Shopee - mua lại Foody với giá được cho là 64 triệu USD.

Gojek - một đối thủ của Now - cũng từng đổi tên ứng dụng gọi xe GoViet thành Gojek tại Việt Nam, nhằm thống nhất một hệ thống nhận diện trên toàn Đông Nam Á.

Việc đổi tên Now thành ShopeeFood nhằm tạo một chuỗi ứng dụng thống nhất trên toàn khu vực, giúp Sea Group có thể đối đầu với các đối thủ lớn trên khắp Đông Nam Á.

Cạnh tranh quyết liệt

Now từng chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam nhưng sau đó sự đổ bộ của Grab đã khiến bức tranh thay đổi. Cùng với sự góp mặt của Gojek, Baemin, Loship, thị trường càng bị chia nhỏ.

Theo báo cáo của Reputa, GrabFood và Now dẫn đầu số lượng các thảo luận trên mạng Internet tại Việt Nam trong năm 2020, chiếm tỷ lệ lần lượt 33,38% và 23,16%. Baemin, Loship, GoFood giữ các vị trí tiếp theo với tỷ lệ: 21,95%, 15,14%, 6,37%. Số lượng thảo luận chưa phản ánh hoàn toàn thị phần của từng hãng, nhưng cho thấy sự tương quan giữa tần suất sử dụng ứng dụng với việc nói về thương hiệu đó.

Mặc dù Grab đang nhỉnh hơn so với 4 đối thủ nhưng với tỷ lệ khá sát sao trong top đầu cho thấy sự cạnh tranh rất lớn trong thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp đủ bứt phá so với phần còn lại.

Theo Reputa, năm 2020 Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh về giao hàng thực phẩm trực tuyến do Covid-19 (1.140.397 lượt thảo luận). Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng suốt năm 2021, đồng thời được dự báo tăng trưởng sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Trên quy mô khu vực, Grab đang có thị phần rất lớn, hiện đóng góp gần một nửa tổng giá trị hàng hóa (GMV) giao nhận thức ăn của Đông Nam Á vào năm 2020, đạt 5,9 tỷ USD, theo báo cáo của Momentum Works. Grab cũng dẫn đầu năm trong số sáu thị trường trong khu vực.

Tiếp theo là dịch vụ giao đồ ăn Foodpanda, với GMV hơn 2,5 tỷ USD và Gojek là 2 tỷ USD. 

Báo cáo khẳng định tổng giá trị hàng hóa giao thực phẩm ở Đông Nam Á đã tăng 183% so với năm trước, đạt 11,9 tỷ USD vào năm 2020. Quy mô thị trường ngày càng tăng trong bối cảnh Covid-19 khiến người dân không đi ra ngoài để phòng dịch, cùng với các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và sự thâm nhập của điện thoại thông minh.

Indonesia, Thái Lan và Singapore được xếp hạng là các thị trường giao hàng thực phẩm lớn nhất trong số sáu thị trường được nghiên cứu ở Đông Nam Á, đóng góp lần lượt 3,7 tỷ USD, 2,8 tỷ USD và 2,4 tỷ USD GMV vào năm 2020.

Hải Đăng

Trung Quốc bảo vệ tài xế giao đồ ăn

Trung Quốc bảo vệ tài xế giao đồ ăn

Nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu các nền tảng trực tuyến bảo đảm thu nhập của tài xế giao đồ ăn cao hơn mức lương tối thiểu của cả nước.