Kể từ năm 1953 khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest, đã có hơn 4.000 người tiếp bước họ trong cuộc hành trình đầy mạo hiểm này. Vượt qua địa hình muôn trùng hiểm trở và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tất cả họ đều chỉ có một khao khát chính là được cảm nhận sự vinh quang khi đặt chân lên “nóc nhà của thế giới”.
Đáng tiếc rằng không phải ai cũng may mắn toàn mạng quay trở về. Dọc trên con đường lên đỉnh Everest có khoảng hơn 200 thi thể của những người leo núi đến từ khắp mọi nơi trên thế giới nằm rải rác. Họ mãi mãi nằm lại ở Everest cùng với ước mơ và vinh quang của riêng mình. Họ trở thành minh chứng sống động nhất cho sự hung tàn của Everest, là những cột mốc chỉ đường cho những người bạn, người đồng đội cùng chung chí hướng trên hành trình chinh phục đỉnh cao.
Cột mốc nổi tiếng nhất của đỉnh Everest
Một trong những thi thể nổi tiếng nhất mà bất cứ ai muốn đến được đỉnh núi cũng đều phải đi ngang qua đó chính là Giày Xanh - cái tên được nhiều người gọi dựa trên đôi giày màu xanh nõn chuối rực rỡ mà anh đã mang lúc gặp nạn.
Thông thường những ai không may tử vong trên núi tuyết lạnh thì họ sẽ mãi mãi yên nghỉ ở tại vị trí đó bởi điều kiện địa hình trên cao và khí hậu khắc nghiệt nên không ai có thể di chuyển thi thể xuống núi được.
Nằm bên dưới một mỏm đá, Giày Xanh trông như một người đang ngủ rất say. Anh nằm nghiêng sang một bên, chiếc mũ len đỏ được kéo trùm xuống phủ kín khuôn mặt, đôi tay khoanh chặt trước ngực như muốn chống lại cái rét cắt da thịt, đôi chân anh duỗi thẳng ra lối đi buộc mọi người khi đến đây đều phải bước ngang qua đôi giày xanh chói chang của anh. Thi thể của anh trở thành một cột mốc nổi tiếng nhất cho những ai muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới này từ mặt phía Bắc.
“Có thể nói hầu như tất cả mọi người, đặc biệt là những ai tiếp cận ngọn núi từ phía Bắc, đều sẽ biết đến Giày Xanh. Có thể họ đã đọc về Giày Xanh hoặc nghe ai đó nói về anh”, Noel Hanna, người từng lên đỉnh Everest 7 lần, cho biết. “Khoảng 80% người từng trèo lên Everest đều đã nghỉ chân tại nơi Giày Xanh nằm và rất khó để bỏ sót hình ảnh một người đang nằm co ro ở đó”.
Tuy là một thi thể vô cùng nổi tiếng thế nhưng gần 20 năm trời nằm lại trên đỉnh núi này, mọi người chỉ biết đến anh là Giày Xanh. Bí ẩn về thân phận của Giày Xanh cũng như bi kịch nào đã khiến anh nằm lại đây đã kích thích trí tò mò của nhiều người, trong đó có ký giả Rachel Nuwer. Cô đã lần theo những thông tin ít ỏi về Giày Xanh, quay trở về nơi anh sinh ra, trò chuyện cùng mẹ và những người từng quen biết anh.
Cuộc đời của Giày Xanh và chuyến đi định mệnh
Giày Xanh tên thật là Tsewang Paljor. Anh sinh năm 1968 tại Ladakh, Ấn Độ trong gia đình có 5 người con và cũng là người nổi tiếng trong làng với tính cách nhân hậu, lịch sự và tử tế. Mặc dù có ngoại hình rất điển trai nhưng Tsewang chưa bao giờ có bạn gái bởi anh quá nhút nhát. Có lần Tsewang từng nói với em trai rằng anh thà cống hiến cuộc đời mình cho những điều lớn lao còn hơn là lấy vợ sinh con. Và thật sự anh đã làm được việc đó khi trở thành một huyền thoại trên đỉnh Everest cho đến ngày hôm nay.
Là người con trai lớn nhất trong nhà, Tsewang cảm thấy khá áp lực trong việc trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Chính vì vậy, học hết lớp 10, Tsewang xin thôi học sau đó gia nhập lực lượng biên phòng Indo-Tibetan (ITBP).
Mẹ của Tsewang, bà Tashi Angmo và gia đình đều rất vui mừng khi anh được nhận vào ITBP. Bà ủng hộ con trai hết mình nhưng từ sâu trong đáy lòng, Tsewang biết được rằng mẹ sẽ chẳng bao giờ chấp nhận cho anh đương đầu với nguy hiểm, chẳng hạn như việc leo lên đỉnh núi Everest. Bởi vậy, khi Tsewang được chọn vào đội leo núi với nhiệm vụ trở thành những người Ấn Độ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest từ phía Bắc, anh đã không dám nói cho mẹ biết. Tuy vậy tin tức về chuyến đi đầy rủi ro của anh cũng đến tai bà Tashi. Với linh cảm của người mẹ, bà Tashi hết mực khuyên can con trai đừng đi nhưng đáng tiếc bao nhiêu câu nói cũng không thể làm thay đổi quyết tâm của Tsewang.
“Có lẽ nó đã nghĩ rằng nếu leo thành công lên Everest, nó sẽ mang đến nhiều lợi ích cho gia đình này”, người mẹ 73 tuổi đau đớn nói.
Tsewang là một chàng trai trẻ trung, cường tráng, lại vô cùng tự tin với kinh nghiệm leo núi dày dạn, thế nhưng đứng trước ngọn núi Everest hùng dũng, tất cả những ai dù được chuẩn bị trước kỹ lưỡng như thế nào cũng đều có thể mất mạng như chơi.
Đoàn leo núi Ấn Độ năm ấy bao gồm 6 người, đều là những tay leo núi kỳ cựu. Hành trình ban đầu của họ khá thuận lợi cho đến khi ngày 10/5/1996, cả đoàn gặp một trận gió rất mạnh khiến cho đoạn đường cuối cùng lên đỉnh núi là không thể thực hiện được. Tuy nhiên Tsewang và hai đồng đội nữa vẫn quyết định tiếp tục hành trình. Buổi chiều cùng ngày, Tsewang gọi điện đàm về trạm tiếp tế thông báo với chỉ huy rằng họ đã chinh phục Everest thành công. Đáng tiếc là vui mừng chưa hết, trận bão tuyết kinh hoàng sau đó đã kéo đến rất nhanh, Tsewang và đồng đội không kịp xuống núi và đã mãi mãi nằm lại tại “nóc nhà thế giới”.
Năm 2014, Giày Xanh đột nhiên biến mất không dấu vết, nhiều người cho rằng thi thể của anh đã được di dời đi nơi khác hoặc đã được đem chôn.
Theo GenK