Franz Kafka (1883-1924) là một tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Séc. Ông được giới phê bình đánh giá là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.
Câu chuyện nhân văn "Kafka, cô bé và con búp bê" đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
"Mọi thứ sẽ ra đi, chỉ có tình thương ở lại"
Câu chuyện kể lại rằng vào năm 1923, nhà văn Franz Kafka đang đi dạo qua công viên Steglitz ở thành phố Berlin thì thấy một bé gái đang khóc nức nở vì đánh mất con búp bê yêu thích của mình.
Kafka đã giúp bé gái tìm kiếm nhưng không thấy. Ngày hôm sau, hai chú cháu tiếp tục tìm kiếm nhưng con búp bê vẫn bặt vô âm tín.
Kafka bèn đưa cho bé gái một lá thư và bảo rằng búp bê nhờ ông chuyển cho em trước lúc rời đi.
Bức thư biết “Cậu ơi, đừng khóc nhé! Mình đang đi ngắm nhìn thế giới tuyệt vời này. Mình sẽ viết thư kể cho bạn về những cuộc phiêu lưu của mình.”
Đó là khởi đầu cho chuỗi ngày Kafka đóng vai búp bê để gửi thư cho cô bé. Mỗi khi gặp, Kafka đọc cho cô bé những bức thư phiêu lưu do ông sáng tác. Những cuộc trò chuyện luôn khiến cô bé mê mẩn.
Trong lần gặp cuối cùng, Kafka đọc lá thư thông báo rằng búp bê đã trở lại Berlin. Sau đó, ông đưa cho cô bé một con búp bê khác mà ông đã mua, đính kèm một lá thư rằng “Những chuyến đi đã thay đổi bản thân mình.”
Em bé ôm con búp bê mới và mang nó về nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Một năm sau, Kafka qua đời.
Thời gian trôi qua, cô bé năm nào đã trở thành một nữ sinh. Trong một lần dọn dẹp đồ cũ, cô bất ngờ tìm thấy một lá thư nhét trong con búp bê.
Bức thư bình dị và có chữ ký của Kafka rằng “Mọi điều mà cháu yêu quý có lẽ rồi sẽ mất đi, nhưng cuối cùng, tình yêu sẽ trở lại trong một hình hài khác.”
Câu chuyện trên cũng truyền cảm hứng cho giới văn chương. Nhà văn Paul Auster đã đưa câu chuyện về búp bê vào cuốn tiểu thuyết "The Brooklyn Follies" của ông xuất bản năm 2005. Tác giả Larissa Theule và Rebecca Green đã xuất bản cuốn tiểu thuyết "Kafka và búp bê" vào tháng 3/2021.
Nỗi dằn vặt ngang trái của một thiên tài
Ngay từ nhỏ, Kafka đã có niềm đam mê cháy bỏng với văn chương, nhưng kỳ vọng của người cha muốn con trai trở thành trụ cột vững chãi trong gia đình khiến ông không thể theo đuổi trọn vẹn ước mơ của mình.
Kafka sống một cuộc đời viên chức tại một công ty bảo hiểm. Ông chỉ có thể tranh thủ những lúc rảnh rỗi để viết văn với một mặc cảm tội lỗi sâu sắc. Những mặc cảm đó đeo đẳng ông trong suốt các tác phẩm của mình.
Franz Kafka tiếp tục sống một cuộc đời bình lặng và có phần nhàm chán. Có lẽ, cuộc gặp gỡ với cô gái nhỏ tại công viên là một điểm sáng trong gam màu trầm ổn trong những năm cuối cuộc đời ông.
Kafka để lại di nguyện, mong muốn cho người bạn thân tiêu hủy những gì mình viết vì “đó là cách duy nhất tôi có thể vứt bỏ nỗi lo âu khôn nguôi rằng tôi đang cố gắng thể hiện điều không thể diễn tả”.
Rất may, di nguyện không được thực hiện. Nhân loại biết đến một Kafka với ngòi bút nhiệt thành và tài năng văn chương.
Những tác phẩm của Franz Kafka phải kể đến Thư gửi bố, Vụ án, Lâu đài, Hóa thân...
Điểm chung trong các tác phẩm của ông là tính u tối trong dải “quang phổ cảm xúc” của con người. Nó đặc trưng tới mức giới phê bình văn học đặt cho một cái tên riêng biệt: Kafkaesque (kiểu Kafka).
Tuy nhiên, xen kẽ trong thế giới cô đơn và bất an đó cũng có những nét hóm hỉnh sâu sắc để tô đậm "tính phi lý từ cội gốc của một thế giới được cho là hữu lý".
Mặc dù chỉ sống đến tuổi tứ tuần nhưng Franz Kafka đã có những đóng góp lớn lao cho nền văn học thế giới hiện đại.
Bảo Huy