Ít ai biết, 7 năm trước, trong mắt nhiều người, Tài chỉ là một cậu bé vừa tốt nghiệp cấp 3 bổ túc với tương lai mờ mịt, gia cảnh phức tạp khi cả bố và mẹ đều từng lâm vào cảnh tù tội. 10 năm trước, Tài giúp gia đình mưu sinh bằng công việc nhặt tôm rơi vãi ở chợ đầu mối lúc nửa đêm. Cậu bé 13 tuổi khi ấy chỉ được ngủ 4 - 5 tiếng mỗi ngày.
Khó ai có thể tưởng tượng Tài của năm 26 tuổi, ngồi trong văn phòng hiện đại giữa Thủ đô, dẫn dắt những dự án, làm việc với các khách hàng quốc tế tới từ Singapore, Malaysia, châu Âu,… như bất cứ người trẻ gen Z năng động nào khác.
Cách đây 20 năm, Tài và các anh chị em của mình theo chân bố mẹ từ Quảng Yên (Quảng Ninh) lên Hà Nội với hi vọng lập nghiệp, đổi đời. Họ sống trong một căn phòng trọ đi thuê lụp xụp, rộng chừng 30m2 dưới chân cầu Long Biên. Đến giờ, Tài vẫn còn nhớ khu nhà trọ đó.
Hằng ngày, mẹ ngồi bán nước, bố chạy xe ôm để nuôi 4 anh em Tài – những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Khoảng 3 năm sau ngày lên Hà Nội, bố cậu bị bắt vì tội thu tiền bảo kê thuê, nhận bản án 4 năm tù.
Cuộc sống đã khó khăn càng thêm chật vật khi người mẹ một mình lăn lộn nuôi 4 đứa con ăn học. Năm ấy, Tài 8 tuổi. Cậu không nhớ mẹ đã phải làm những công việc gì trong những năm tháng ấy. Cậu chỉ biết chắc chắn rằng hẳn bà đã có những lúc lâm vào đường cùng.
Năm Tài 10 tuổi, bà bị bắt vì tội buôn bán ma túy. “Mẹ đi sau bố chỉ 2 năm” – Tài kể.
Bốn đứa trẻ bơ vơ được chính quyền đưa vào Trung tâm Mái ấm 19/5 (phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình) – nơi trở thành một phần tuổi thơ dữ dội của 3 anh em Tài. Chỉ có 3 anh em ở trong Mái ấm, vì anh cả của cậu lúc ấy đã bỏ nhà đi bụi. Tài nhớ thi thoảng anh về thăm các em, dúi cho chúng 50 nghìn đồng ăn quà.
Năm đầu tiên ở Mái ấm, Tài thấy không quá tệ. Chỉ có cuối tuần là buồn vì các bạn được về nhà hết. Chỉ có 3 anh em Tài và 1 đứa trẻ nữa không có bố mẹ nên phải ở Mái ấm quanh năm ngày tháng.
Sang năm thứ 2, bọn trẻ bắt đầu cảm thấy bức bối vì phải chôn chân ở đây suốt ngày, không được phép đi ra ngoài. “Em hiểu các cô phải chịu trách nhiệm về bọn em nên không dám cho bọn em ra ngoài. Trường hợp duy nhất bọn em được phép chạy ra khỏi Mái ấm là lúc gọi các bạn sang đi học”.
“Nghỉ hè và Tết, bọn em được nhà nội đón về quê. Khỏi phải nói, đó là quãng thời gian vui nhất trong năm của mấy anh em”.
Tài học hết cấp 1, không ai tìm được cách nào cho em lên cấp 2 vì trung tâm giáo dục thường xuyên – nơi em được miễn học phí - cách trường 5km. Em quá bé nhỏ để tự đạp xe đến trường. Tài phải nghỉ học 1 năm để đợi “ai đó” giải quyết chuyện này. Ai đó ở đây là bố mẹ hoặc người nhà em đứng ra bảo lãnh.
Khi ấy, Tài cũng chẳng biết bố mẹ sẽ “đi” bao lâu và chừng nào thì về. Sau 1 năm Tài học “đúp”, bố cậu về thật.
“Lúc này bọn em đã biết đến tổ chức Rồng Xanh (Blue Dragon) vì anh trai em đi bụi, được các anh chị ‘rủ’ về đó học tập, vui chơi. Anh trai cũng hay rủ bọn em qua đó chơi. Khi về, bố em đã nhờ tổ chức hỗ trợ học phí để em được học ở một trường công gần Mái ấm, chỉ cách mấy bước chân”.
Vậy là chuyện đi học của Tài được giải quyết. Nhưng bố không đủ điều kiện để đón 4 anh em về nuôi. Ông về quê để làm ăn từ đó cho tới bây giờ. Những đứa trẻ vẫn được gửi ở Mái ấm cho tới khi mẹ ra tù.
“Hôm đó, em và anh Tuấn Anh đang chơi trốn tìm trong phòng. Bọn em tắt hết điện để chơi thì bỗng có một giọng phụ nữ gọi với vào: ‘Cháu ơi, có biết Tuấn Anh, Tuấn Tài ở đâu không?’”.
Dù đã xa mẹ quá lâu, cậu bé Tuấn Anh vẫn nhận ra giọng mẹ và hét lên: “Tài ơi! Tài ơi! Mẹ về, mẹ về!...”.
Mấy đứa trẻ chạy ào ra, vòng tay ôm lấy mẹ qua chiếc song sắt cửa đã khóa. Nghĩ lại khoảnh khắc ấy, Tài vẫn chưa hết xúc động.
“Mẹ về, không có gì trong tay nên xin ở lại trung tâm cùng bọn em một thời gian để ổn định cuộc sống. Xoay xở một thời gian cộng thêm vay mượn, mẹ có tiền mua một chiếc thuyền, dựng một chiếc nhà nổi trên đó và đón bọn em ra khỏi Mái ấm. Năm đó em học lớp 7. Chẳng phải nói, bọn em vui cỡ nào”.
“Mẹ buôn bán tôm cá ở chợ Long Biên để kiếm sống”.
Thời gian này, Tài và các em cũng bắt đầu phải đi làm kiếm tiền. Ở chợ Long Biên khi ấy, bọn trẻ con như Tài có một nghề quen thuộc - nhặt tôm.
“Khi người ta đổ tôm sống ra một cái giá to, những con tôm nhảy xuống đất vương vãi, người ta để cho mình nhặt. Cả trẻ con, người lớn đều làm công việc này. Ai nhanh tay thì nhặt được nhiều”.
Mỗi đêm, ước chừng số tôm bán được dăm chục, một trăm là Tài nghỉ, về đưa tiền cho mẹ. Ba anh em Tài đứa nào cũng đi nhặt tôm. Công việc bắt đầu từ 23h hôm trước đến 4 - 5h hôm sau, hôm nào sớm thì được về lúc 2 - 3h. Về đến nhà, tắm rửa ăn sáng xong, Tài lại đi học. Đến chiều, cậu ngủ đến 16h rồi lại chuẩn bị ăn tối, đi nhặt tôm. Guồng quay một ngày cứ thế trôi đi.
“Hồi ấy, em không coi việc đi nhặt tôm là khổ, vì bọn em được ra ngoài, không giống như khi ở Mái ấm. Nhưng thứ cám dỗ em nhất lúc ấy là giấc ngủ. Anh trai em đợt ấy nghỉ học rồi nên sáng ra anh ấy được ngủ, còn em thì phải đi học. Anh nghỉ học sớm, mẹ rất buồn. Em không muốn mẹ buồn nên cố đi học”.
“Mẹ nợ nần khá nhiều để có thể nuôi được bọn em. Mẹ thương bọn em lắm, không muốn bọn em phải đi làm như thế nhưng cũng không biết phải làm sao…”.
Lúc này, Tài và các anh em đến với Rồng Xanh thường xuyên hơn – nơi Tài được nhảy hip hop, học piano, làm quen với công nghệ thông tin,… Quan trọng hơn, cậu được sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh để tránh xa những tệ nạn xung quanh môi trường sống của mình.
Kinh tế gia đình cũng dần khởi sắc. Tài ít phải đi nhặt tôm hơn. Lên cấp 3, cậu chỉ đi nhặt tôm vào những ngày cuối tuần để đỡ đần mẹ. Ban ngày, cậu làm thêm ở một quán đồ uống ở Hồ Tây, chuyên phục vụ khách nước ngoài, cũng nhờ Rồng Xanh giới thiệu.
“Lương em được trả so với mặt bằng chung khá cao. Cuộc sống yên bình được một thời gian thì mẹ em lại bị bắt. Lần này vì tội tiêu thụ hàng ăn trộm. Mẹ lại đi hơn 4 năm”.
Sau khi mẹ vào tù lần 2, người anh cả lúc này đã trưởng thành và có công việc, về đón 3 đứa em ra ngoài sống. Tài chấm dứt cuộc sống trên nhà nổi từ đó.
Mấy anh em bảo ban nhau đi học, đi làm, cùng nhau sống tự lập khi thiếu vắng bố mẹ.
Trong suốt những năm nhiều biến động này, Tài vẫn luôn sinh hoạt cùng bạn bè và các anh chị ở Rồng Xanh – nơi cậu mang ơn rất nhiều. Những nhân viên xã hội ở đây không thúc ép cậu học hành, không nói những câu giáo điều. Nhưng mỗi ngày, họ âm ỉ truyền cảm hứng cho Tài bằng cuộc sống tốt đẹp, góc nhìn tươi sáng của chính họ.
“Em nhìn vào cuộc sống của các anh chị, trong đó có cả những người từng có hoàn cảnh như em. Em nhận ra rằng, nếu mình cố gắng thì mình cũng làm được như mọi người. Em nhìn thấy tương lai tươi sáng của mình ở những người mà em đã gặp ở Rồng Xanh”.
Trước khi mẹ bị bắt, Tài từng coi nhẹ việc học ở trường - một trung tâm giáo dục thường xuyên vì không hi vọng gì việc học hành sẽ mang đến một tương lai khác.
Nhưng một lần ra chợ phụ mẹ bán gà ở chợ Long Biên, Tài tận mắt chứng kiến mẹ vất vả như thế nào để kiếm từng 10 nghìn nhỏ - số tiền công làm sạch lông một con gà. Tài chợt tỉnh. Từ đó, cậu có ý thức học hành hơn.
Ở quán rượu nơi Tài làm việc, cậu luôn cố gắng rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với khách. Cậu tích cực tham gia các hoạt động lành mạnh của Rồng Xanh, như một cách tránh xa những tệ nạn ngay sát mình. Có lần, Tài và các bạn còn được sang Singapore thi nhảy…
Trước khi dịch Covid-19 tấn công, Tài được Rồng Xanh chọn để trao học bổng 1 năm đi Úc học tiếng Anh. Đây thực sự là cơ hội lớn và là bước ngoặt cuộc đời cậu. “Ngày xưa, em chẳng mơ đến chuyện được đi du học hay có một công việc tốt như bây giờ. Một năm ở Úc giúp em học được nhiều cái mới lắm, thấy mình tự tin hơn rất nhiều. Đó là một trải nghiệm em không bao giờ quên”.
Về nước, Tài định hướng sẽ học một ngành nghề nào đó để đi làm. Đúng vào giai đoạn dịch bệnh, Tài chọn khóa học online 7 tháng lập trình viên – một kỹ năng mà cậu từng được làm quen khi còn sinh hoạt ở tổ chức. “Học xong, em khá mông lung, không biết trình độ mình tới đâu, có đủ để đi xin việc không. Em lại nhờ Rồng Xanh hỗ trợ xem có chỗ nào nhận thực tập sinh và được giới thiệu vào đây làm.
May mắn là công ty cho em thực tập có trả lương. Lúc mới vào, em còn non lắm nhưng em chịu khó học hỏi mỗi ngày”.
Tài bảo, đến giờ cậu vẫn còn đang phải học nhiều thứ và nếu muốn phát triển bản thân thì phải học tập không ngừng.
Tính đến hiện tại, Tài đã làm ở công ty được hơn 3 năm, được đồng nghiệp yêu quý và các sếp ghi nhận. Năm 2023, Tài được nhận giải thưởng Tài năng, giải Dự án của năm do công ty bình chọn.
Từ một nhân sự thử việc với xuất phát điểm có thể nói là không bằng những đồng nghiệp được học hành trường lớp bài bản, Tài nỗ lực tự học và trở thành nhân sự chủ chốt của bộ phận mình đang làm việc, hiện là trưởng nhóm dự án.
Với vốn tiếng Anh đã được trau dồi nhiều năm, Tài làm việc với các đối tác tới từ khắp nơi trên thế giới. Ý chí vượt khó của cậu được công ty đánh giá cao. “Không ai nghĩ em có một tuổi thơ sóng gió đến thế cho tới khi em kể câu chuyện của mình”.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Tài nói, có lẽ ưu điểm lớn nhất của em là sự lạc quan và niềm tin vào tương lai. “Em chưa bao giờ than thân trách phận vì có xuất phát điểm thấp hơn mọi người. Tất nhiên có những lúc em buồn khi mình không có cái này, cái kia như người ta. Nhưng nghĩ lại thì mình cũng có thể có nếu mình cố gắng…”.
Khi được hỏi đã bao giờ thầm trách bố mẹ, chàng trai sinh năm 1998 không do dự khẳng định “chưa bao giờ em và các anh chị em của em nghĩ thế”.
“Bọn em thương bố mẹ lắm. Dù bố không hỗ trợ mẹ nuôi bọn em sau khi ra tù nhưng em luôn thương và yêu bố. Kể cả mẹ em, lúc nào mẹ cũng nói tốt về bố với các con. Mấy anh chị em lúc nào cũng yêu thương nhau và thương bố mẹ nhiều lắm”.
Tài tâm sự, hiện tại cả 4 anh chị em đều có công việc ổn định và sống tốt.
- Đó là một cái kết mà Tài chưa bao giờ nghĩ đến sau ngần ấy biến cố của gia đình. Nhưng điều mà cậu luôn làm mỗi ngày là không đầu hàng số phận, và chỉ lấy nghịch cảnh để làm động lực cố gắng.
“Ưu điểm của em là tự tin và không bao giờ mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Em thậm chí còn thấy mình may mắn vì được gặp nhiều người tốt” – Tài nói về quãng đường đã qua nhẹ tênh.
"Tuấn Tài là một chàng trai đầy năng lượng tích cực và tinh thần lạc quan. Con người em rất đúng với cái tên - tài năng, sáng tạo và quan tâm đến bạn bè, nhân viên ở Rồng Xanh (Blue Dragon) - nơi em đã có nhiều năm sinh hoạt và gắn bó. Những gì Tài đã trải qua trong cuộc đời không khiến em mất đi niềm hi vọng về tương lai, mà ngược lại nó tạo nên sức mạnh để em luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Sự nỗ lực và thành công của Tài là nguồn động lực, niềm tin và sự khích lệ rất lớn cho Rồng Xanh trong hành trình giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn" - ông Đỗ Duy Vị, Giám đốc điều hành Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh. |
Bài: Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC, Rồng Xanh, Lê Anh Dũng
Thiết kế: Hồng Anh
Cô gái Bắc Giang đi dép tổ ong lên Hà Nội học, hiện đồng sở hữu 21 căn hộ ở Mỹ
Cuộc gặp với anh Tây giúp cậu bé đánh giày trở thành CEO của hàng trăm nhân viên
16 tuổi, Đỗ Duy Vị bước vào ngôi nhà chung của Blue Dragon (Rồng Xanh) với vị trí một đứa trẻ đánh giày. Anh không ngờ rằng 19 năm sau, mình trở thành đồng Giám đốc điều hành tổ chức ấy.