Tôi lúc đó tôi được cả nhà và khu tập thể gọi là "thằng cu", 13 tuổi gầy còm đang học lớp 5, trường cấp 1-2 Lý Tự Trọng.

Lớp học trên tầng 2 nằm trong tu viện Thánh Thomas thuộc nhà thờ Khoái Đồng, đi học nhưng tôi đã có việc kiếm tiền. Mỗi lần tan học tôi ù té phóng về nhà vứt khăn quàng, cặp sách, thay quần áo, vác chiếc bơm xe đạp ra ngã sáu Năng Tĩnh. Tôi đặt bơm xuống vỉa hè nơi có dòng nước đen hôi thối mà các nhà dân thải ra.

Mắt nhìn bám vào những bánh xe đạp dòng người đi qua mong cho có bánh xe ai đó bị xẹp là tôi bơm xe cho họ, 1 lần bơm được 5 xu.

Khu vực "chiến đấu" của tôi lúc đó là ngã sáu Năng Tĩnh, cổng chợ Năng Tĩnh và nhất là cổng nhà máy liên hiệp dệt. Từ khu nhà tôi lên cổng nhà máy dệt khoảng 2 cây số.

{keywords}
 

Xã hội thời ấy toàn xe đạp, theo tiêu chuẩn Nhà nước, mỗi cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng.

Quyết định là vậy nhưng một năm, nhà máy hàng nghìn người cũng chỉ được phân phối chưa đến một trăm chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu là sung sướng.

Còi tan tầm hàng ngàn công nhân đi bộ và xe đạp chen chúc qua cổng, tôi cũng kiếm được chục cái xe đạp bị non lốp, có lần tôi bị sưng đầu khi cầm bơm đánh nhau với những thằng cùng lứa tranh chỗ.

Tiền kiếm được từ bơm xe, ba tôi lấy ống tre cưa 1 khe nhỏ đủ nhét đồng 5 xu hay 1 hào tiền giấy  để tiết kiệm. Thi thoảng tôi được ăn kem mút, mua nhót, táo dầm, lạc rang húng lìu hay mua miếng quế cay nồng...

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt

Tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp

Tuổi thơ bay như lá ngã tư đường

Ba tôi là bộ đội tập kết từ miền Nam ra, làm trưởng phân xưởng chăn thuộc Nhà máy liên hiệp dệt Nam Định. Đi làm ông đi bộ hoặc xe đạp. Nếu đi xe, ông phải vác xe lên vai mỗi lần đi và về khi lên xuống cầu thang khu tập thể. Nhiều buổi chiều mùa đông đi làm về, ông lấy chiếc bánh mì cứng như đá - tiêu chuẩn ăn sáng của ông trong túi chiếc áo ka-ki bạc màu, xoa nước xung quanh rồi đem hơ cho mềm lại, cho tôi ăn. Những năm 70 thời đó nhà nào cũng thiếu thốn trăm bề, mỗi lần tôi ăn ông lại mỉm cười rạng rỡ (mà tôi ngày đó ngây thơ, không biết ông đã nhịn ăn sáng để mang về cho con, cũng như ông nói không thích ăn thịt nạc để dành cho tôi).

Má làm công nhân nhà máy tơ, cách nhà tôi khoảng 3-4 cây số. Thỉnh thoảng tôi được đi đưa cơm trưa cho má. Mỗi lần mang cơm muộn là tôi cắm đầu chạy, cặp lồng lắc lư làm thức ăn trộn lẫn nhau. Tới gần nhà máy là mắt dáo dác tìm kiếm bóng má lẫn ở phía cổng. 

Đi đưa cơm cho má, có lần tôi được bà dúi cho 1 hào thế là mua được một cây kem mút, tha hồ khoe với bạn bè.

Hôm nay đọc những bài viết chủ đề "Cha mẹ trong trái tim tôi" trên báo VietNamNet, tôi lại nhớ về Ba, Má và tuổi thơ tôi.

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi
Dầu chúng ta cứ việc già nua tất
Xin thương mến đến tận cùng chân thật
Những người thân và  gương mặt bạn bè                                  

(Nguyễn Duy, Ánh trăng, NXB Tác phẩm mới, 1984)

Nguyễn Thanh Sơn

Sau loạt bài "Cha mẹ trong tim tôi", Ban Đời sống sẽ đăng tải các bài viết chủ đề "Thanh xuân của chúng ta". Mời độc giả gửi bài viết phù hợp về email: [email protected]. Toà soạn khuyến khích độc giả gửi kèm ảnh phù hợp. Trân trọng!

 

Ngày tôi 'đi B' và món quà mẹ dúi vội vào tay lúc tàu chuyển bánh

Ngày tôi 'đi B' và món quà mẹ dúi vội vào tay lúc tàu chuyển bánh

Lúc tàu bắt đầu rùng rùng chuyển bánh, tôi nhảy từ sàn tàu xuống lòng đường ôm chầm lấy mẹ. Mẹ xiết lấy tôi, oà khóc.