Sathian Ken Suravisankul, một nha sĩ tại đến từ Phuket, Thái Lan đã chia sẻ một trường hợp bệnh nhi 4 tuổi phải nhổ bỏ 18 chiếc răng sâu. Trong bài đăng, nha sĩ viết rằng anh cảm thấy rất thương xót khi cậu bé chỉ còn lại hai chiếc răng sau khi phẫu thuật. Điều này có nghĩa là bé chỉ có một chiếc răng ở hai bên hàm, ảnh hưởng đến ăn uống và cách nói chuyện.
Hình ảnh cậu bé sau 1 ngày phẫu thuật nhổ bỏ 18 chiếc răng.
Đó là cậu bé Nong Kaa, nhập viện trong tình trạng cả hai hàm răng bị sâu nặng và rất đau đớn. Bé đã phải chịu 14 mũi tiêm gây mê và nhổ 18 trên 20 chiếc răng trong cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ, những phần nướu đã nhổ răng được khâu lại để cầm máu.
Bác sĩ nói rằng độ tuổi của Nong Kaa còn nhỏ, chưa ý thức được việc làm sạch răng miệng. Vì vậy tình trạng nghiêm trọng này chỉ có thể xảy ra vì sự chủ quan của phụ huynh.
Hình ảnh 18 chiếc răng sữa bị sâu được nhổ bỏ gây xôn xao trong những ngày vừa qua.
Khi được hỏi thói quen chăm sóc cho Nong Kaa, mẹ của cậu bé thừa nhận do lần đầu nuôi con nên còn thiếu kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ. Nong Kaa từng bị bệnh cúm dạ dày khi được 12 tháng, bác sĩ bảo nên cho bé uống sữa đậu nành. Vì thế chị thường xuyên cho con uống sữa đậu nành bằng bình sữa.
Sau khi cho con trai uống sữa, người mẹ này thường không vệ sinh răng miệng cho bé, thậm chí còn để bé ngậm bình khi đã ngủ say. Tình trạng này tiếp diễn trong 3 năm, răng của Nong Kaa bắt đầu có dấu hiệu bị sâu. Nhưng chị cho rằng chuyện này sẽ vô hại vì cậu bé còn thay răng sữa và mọc răng trưởng thành.
Bác sĩ đã giải thích để mẹ Nong Kaa hiểu rõ hơn về việc chăm sóc răng sữa. Răng sữa cũng quan trọng như răng vĩnh viễn, chúng không chỉ dùng để nhai mà còn đóng vai trò trong việc phát triển thể chất, cảm xúc và IQ của trẻ. Bên cạnh đó, sâu răng có thể dẫn đến nhiễm trùng nướu và tổn thương vĩnh viễn. Răng trưởng thành mọc lên cũng không thể chữa khỏi.
Các bác sĩ đã phải khâu nướu lại sau khi nhổ răng để cầm máu cho Nong Kaa.
Trước khi gia đình Nong Kaa ra về, bác sĩ khuyên họ không nên cho bé sử dụng bình sữa và núm vú giả trong thời gian dài, và khuyến khích dạy con tầm quan trọng của việc đánh răng thường xuyên.
Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng độ tuổi
Có nhiều cách bảo vệ và phòng ngừa bệnh răng miệng cho trẻ, trong đó, cha mẹ nên lưu ý đến việc chọn bàn chải, kem đánh răng phù hợp lứa tuổi và thực hành chải răng đúng cách.
- Từ 8 tháng tuổi: bé bắt đầu mọc răng sữa.
- Trẻ 1 - 2 tuổi: Cha mẹ cần chủ động đánh răng cho trẻ. Khi bé chưa mọc răng hay mới mọc một vài chiếc răng đầu tiên bạn cần vệ sinh răng nướu cho trẻ bằng gạc mềm thấm nước ấm sạch hoặc nước muối pha loãng.
- Trẻ 3 - 6 tuổi: Trẻ bắt đầu mọc răng hàm và lần lượt thay răng, chuyển từ răng sữa sang răng vĩnh viễn. Đến lúc này, cha mẹ có thể cho trẻ tự đánh răng mỗi ngày dưới sự giám sát của người lớn.
- Trẻ 6 - 9 tuổi: cha mẹ vẫn nên kiểm tra việc chải răng của trẻ đều đặn để đảm bảo trẻ đánh răng đúng cách.
Những lưu ý khi đánh răng cho trẻ:
- Cách đánh răng: đặt bàn chải nhẹ nhàng sao cho lông bàn chải vừa khít trên bề mặt răng, chải từng nhóm răng, mỗi nhóm độ 2 - 3 cái, chải đủ ba mặt răng: mặt trước, mặt sau và mặt nhai. Thời gian đánh răng lý tưởng nhất là khoảng 2 - 3 phút.
- Cách chọn kem đánh răng: chọn loại có công thức không đường, chứa Xylitol và Active Fluoride để chống sâu răng.
- Cách chọn bàn chải: ưu tiên loại có đầu tròn nhỏ với cổ bàn chải dài để trẻ dễ xoay sở khi chải sâu tận mặt sau của răng. Lông bàn chải cho trẻ là loại lông siêu mềm đủ để loại bỏ các mảng bám mà không gây trầy xước nướu.
An An (Dịch theo Asia One)
Bàn chải đánh răng chui tọt vào bụng cô gái Thái Nguyên
- Trong lúc lấy xương cá, cô gái trẻ ngửa cổ quá cao nên chiếc bàn chải đánh răng dài hơn 20cm vào dạ dày.