Sở dĩ tiệm có tên là Mậu Dịch bởi nó được thành lập trước năm 1957 (thời kỳ bao cấp). Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Khách đến tiệm cắt tóc này ngoài việc được phục vụ nhẹ nhàng, thanh lịch còn được tận hưởng cảm giác về một Hà Nội xưa, cũ.
Nhân viên trong tiệm cắt tóc đặc biệt này đều mặc áo blouse trắng. Khăn choàng và khăn tay cũng đều phải là màu trắng. Mới nhìn qua, nhiều người có cảm giác đây giống như một bệnh viện thu nhỏ. Nhưng, đó chính là những đặc điểm nổi bật của cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch.
Sở dĩ tiệm có tên là Mậu Dịch bởi nó được thành lập trước năm 1957 (thời kỳ bao cấp). Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Khách đến tiệm cắt tóc này ngoài việc được phục vụ nhẹ nhàng, thanh lịch còn được tận hưởng cảm giác về một Hà Nội xưa, cũ.
Cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch nằm lặng lẽ trên phố Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Không trang trí màu mè, bắt mắt như hầu hết những tiệm cắt tóc thời nay nhưng cửa hàng này lúc nào cũng tấp nập khách. Quản lý cửa hàng cắt tóc đặc biệt này là ông Đào Xuân Tân, 55 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm tới 39 năm trong nghề.
Nơi gợi nhớ một thời tem phiếu
Ông Tân chia sẻ:
“Tiệm cắt tóc này được thành lập từ thời kỳ bao cấp, cái thời mà người dân phải dùng tem phiếu để mua hàng, thậm chí cắt tóc cũng phải có phiếu. Cửa hàng này ban đầu do Công ty hợp doanh quản lý sau đổi tên thành Công ty ăn uống phục vụ Hà Nội. Và đến bây giờ là Công ty du lịch dịch vụ Hà Nội Toserco.
Đây là một trong những cửa hàng cắt tóc trước thời kỳ đổi mới (năm 1986) còn sót lại ở Hà Nội. Cắt tóc thuộc lĩnh vực phục vụ, dịch vụ của công ty và đến nay vẫn trực thuộc sự quản lý của UBND TP Hà Nội.
Trước đây, thời điểm đỉnh cao có đến gần 20 cửa hàng cắt tóc hoạt động dưới sự quản lý của UBND TP Hà Nội. Nhưng sau năm 1986 đến nay, các cửa hàng cắt tóc nhà nước dần dần phải đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau”.
Cũng theo ông Tân, Hà Nội thời bao cấp cửa hàng cắt tóc rất hiếm hoi. Nhiều khi để được cắt tóc, khách hàng phải đứng đợi thành hàng dài, thậm chí tràn cả ra đường. Những năm đầu thập niên 70, giá cắt tóc chỉ khoảng 5 đến 7 hào/đầu. Do vậy thu nhập một tháng của mỗi nhân viên cắt tóc mậu dịch chỉ chưa đầy 40 đồng.
Bà Thu (nhân viên lâu năm của cửa hàng cắt tóc mậu dịch) chia sẻ: “Dù thu nhập không cao nhưng chúng tôi ai cũng làm việc tận tụy, phục vụ khách hết mình. Cửa hàng cắt tóc hồi đó ít lắm mà nhu cầu của khách thì lại đông nên nhiều khi nhân viên phải phục vụ đến đêm muộn mới được về. Có năm khi chúng tôi trở về nhà thì cũng vừa hay đến thời khắc giao thừa”.
Cửa hàng cắt tóc Mậu dịch có một điểm rất đặc biệt, đó là chỉ cắt tóc nam chứ không cắt tóc nữ. Tuy nhiên, nhân viên của cửa hàng thì lại chủ yếu là nữ. Đây cũng là sự khác biệt của một tiệm cắt tóc cổ xưa với những quán cắt tóc hiện đại ngày nay. Khách đến với cửa hàng cắt tóc Mậu dịch gồm đủ mọi lứa tuổi và thuộc những thành phần khác nhau trong xã hội. Người nghèo có, người giàu có, trẻ có, già có… Nhưng bất kể ai khi đã đến với cửa hàng này đều có cảm giác mình là “thượng đế”.
Mới nghe qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng đã là Mậu dịch thì chắc kiểu cách tạo dáng tóc cũng rất cổ điển. Nhưng thực tế, những nhân viên ở đây luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi và cập nhật những kiểu tóc mới nhất để đáp ứng được cả những yêu cầu thời thượng của khách.
Cô Hằng – một nhân viên thâm niên của cửa hàng chia sẻ rằng, nhiều người khách đến đây không chỉ cắt tóc mà họ đến để được ôn lại một thời nghèo khó. Những câu chuyện về thời bao cấp đôi khi được kể đi kể lại nhưng cả khách và nhân viên cửa hàng vẫn thấy say mê.
Những tay kéo lão luyện
Nhân viên của Cửa hàng cắt tóc Mậu dịch hầu hết đều là những người có thâm niên lâu năm. Nhiều người bám trụ ở cửa hàng từ những ngày đầu, cho đến bây giờ kể cả khi họ đã lên chức bà thì ngày ngày họ vẫn cần mẫn múa từng đường kéo để làm đẹp cho khách. Độ tuổi trung bình của nhân viên làm việc tại đây xấp xỉ 50 tuổi, người già nhất cũng đã quá 70.
Với 29 năm trong nghề, bà Đinh Thu Thủy (50 tuổi, ở phố Hàng Bạc, Q.Hoàn Kiếm) bảo rằng chị không thể bỏ cửa hàng này được, bởi nó đã gắn bó với tuổi thơ của chị. Bố bà cũng là nhân viên cắt tóc của tiệm thường được bố cho đến đó chơi. Nhìn những nhân viên trong cửa hàng ăn mặc lịch sự, nói năng nhẹ nhàng và phong thái đĩnh đạc khiến bà mê mẫn. Sau này lớn lên bà lại kế tục nghề của bố và theo đuổi nó đến ngày hôm nay.
Một nhân viên có thâm niên khác của Cửa hàng cắt tóc Mậu dịch là bà Vũ Hồng Hà. Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng tay kéo của bà Hà vẫn ngọt sắc, linh hoạt. Hơn 25 năm bám trụ tại cửa hàng tóc này, bà Hà không nhớ nổi mình đã “vít” bao nhiêu cái đầu trong thiên hạ. Ở vào cái tuổi không còn trẻ nhưng bà Hà chưa bao giờ ngừng học hỏi.
Bà chia sẻ: “Tôi muốn bất kể người khách nào khi đã bước chân vào đây đều có được cảm giác hài lòng. Đã theo nghề thì phải đáp ứng được đòi hỏi của nghề. Không thể nói tôi thời cũ nên chỉ cắt những kiểu tóc cũ”.
Theo lời bà Hà, muốn vào làm thợ cắt tóc ở đây, các nữ nhân viên phải trải qua khoảng một năm học nghề. Và để đủ sống, các “đệ nhất kéo” phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ và ngay cả tết họ cũng chỉ nghỉ như nhân viên nhà nước (từ mùng 1 đến sáng mùng 5 tết).
Mặc dù vậy nhưng thu nhập trung bình chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Dẫu vậy, nhưng khi có tiệm cắt tóc tư nhân nào mời những “đệ nhất kéo” làm cho họ với mức lương cao hơn thì ai cũng từ chối. Để đáp ứng nhu cầu của khách, cửa hàng thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ đêm. Nhân viên phải chia nhau làm việc theo ca.
“Thời gian chúng tôi ở cửa hàng cắt tóc còn nhiều hơn ở nhà nên chị em yêu quý nhau như ruột thịt. Nếu một ngày chẳng may ốm nằm nhà thì thấy nhớ lắm, chỉ mong mau khỏi để đi làm thôi” – bà Hà tâm sự.
Ngồi chờ đến lượt mình cắt tóc, ông Đặng Minh Hoàng cho biết: “Tôi cắt tóc ở đây đã mấy chục năm rồi và chỉ cắt duy nhất ở cửa hàng này thôi. Mặc dù nhà tôi ở cách đây khá xa, đi xe máy cũng mất vài chục phút nhưng tôi vẫn thích đến đây. Tôi quen với phong cách phục vụ lịch lãm, “rất Hà Nội” của các chị ở đây. Đến đây lại có một kho chuyện cũ để ôn lại, vui lắm”.
Ngồi cạnh ông Hoàng, ông Tuấn (phố Cát Linh) nói chêm vào: “Chả biết có phải chúng tôi hoài cổ hay không mà suốt bao nhiêu năm qua chỉ thích đến đây cắt tóc thôi. Cắt nhiều thành quen nên chỉ cần bước vào cửa hàng, không cần phải nói yêu cầu thì các chị đã biết để cắt đúng ý mình rồi”.
Ông Ðào Xuân Tân, phụ trách Cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch vinh dự cho biết: “Cửa hàng từng cắt tóc cho nguyên thủ quốc gia và nhiều đại biểu Quốc hội. Trước đây ông Phạm Thế Duyệt (thời làm Bí thư Thành ủy Hà Nội) còn yêu cầu phải duy trì cửa hàng để cắt tóc cho du khách trong và ngoài nước nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của người Hà Nội”. Năm 2012, một nhà nghiên cứu Nhật Bản có đi nghiên cứu nghề cắt tóc trên khắp thế giới và đến Việt Nam đã vào cửa hàng cắt tóc Mậu Dịch để tìm hiểu. Sau khi về nước, ông đã viết thư nói rằng ông vô cùng cảm ơn vì cửa hàng đã giữ được bản sắc của nghề hớt tóc cao quý và ông động viên mọi người giữ nhiệt huyết để cửa hàng hoạt động mãi mãi. |
(Theo Cảnh sát toàn cầu)