- Phấn đấu tiết kiệm 10-15% tổng mức đầu tư; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản.
Đây là một trong những nội dung trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 mà Thủ tướng vừa ban hành.
Ảnh minh họa |
Thông tin từ VPCP cho biết, Chính phủ yêu cầu trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước năm 2016, phải nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu thông qua tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư.
Cùng với đó là tiết kiệm từ chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch; thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.
Việc phân bổ vốn đầu tư công cũng phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công, tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; hoàn trả các khoản vốn ngân sách nhà nước ứng trước kế hoạch; các khoản vốn vay ngân sách địa phương đúng nguồn và đúng mục tiêu.
"Chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương", Chương trình nêu rõ.
Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó, phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Mức độ hài lòng phải đạt trên 80%
Thủ tướng cũng vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó nhấn mạnh các mục tiêu như: đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; ưu tiên các TTHC phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, TTHC trên một số lĩnh vực trọng tâm như đầu tư; đất đai; xây dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất khẩu; nhập khẩu; y tế...
Yêu cầu của Kế hoạch là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80% vào năm 2020.
Chung Hoàng