Theo ghi chép của anh Tình, hiện nay mỗi tháng anh có lời gần 50 triệu đồng từ việc bán trùn quế giống, trùn quế thương phẩm, phân trùn quế...
8X nỗ lực xây dựng mô hình
Bằng sự nỗ lực anh Lê Văn Tình (bên phải) đã nuôi con trùn quế thành công. Ảnh: Vũ Thượng |
Nhắc đến mô hình nuôi trùn quế của anh Lê Văn Tình (sinh năm 1986) ở thôn 6, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bà con nông dân nơi đây không ai là không cảm phục. Mô hình nuôi trùn quế của Tình có thời điểm tưởng chừng như "treo chuồng" bởi trùn quê chết hàng loạt. Nhưng với ý chí và sự nỗ lực của chàng trai 8x đã giúp anh vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu.
Đưa phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi tham quan mô hình nuôi trùn quế rộng 1,5ha, anh Lê Văn Tình trò chuyện: "Trước kia từng học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành cơ khí. Tôi tốt nghiệp với tấm bằng khá trong tay và đi làm được gần 4 năm, mức lương khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Nhưng tình cờ một lần đọc báo thấy nuôi trùn quế rất hiệu quả, liền liên tưởng đến ở quê rất phù hợp. Năm 2013, tôi quyết định nghỉ việc ở ngoài Hà Nội và về bắt tay vào nuôi trùn quế...".
Bước đầu nuôi trùn quế, anh Tình gặp muôn vàn khó khăn như: Nguồn vốn, kỹ thuật nuôi trùn quế, cách chăm sóc trùn quế...Nhưng được sự động viên của gia đình và bạn bè cho mượn tiền, góp tiền, góp công đã động viên anh kiên trì theo đuổi nghề nuôi trùn quế. Anh Tình đã "mạnh tay" xây dựng nhà nuôi trùn quế hàng trăm m2, mua giống trùn, mua phân cho trùn ăn...với kinh phí đầu tư ban đầu là 800 triệu đồng.
Được bạn bè giúp, anh Tình đã xây dựng mô hình gần 800 triệu đồng. Ảnh: Vũ Thượng |
Anh Lê Văn Tình nhớ: "Năm 2013, ở địa phương chưa có ai nuôi trùn quế, chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên trùn chết rất nhiều, năng suất giảm...Lúc đó tưởng như mình phải bỏ cuộc. Nhưng sau tôi đã bình tâm lại và lại lao vào đọc tài liệu, tìm hiểu thêm trên mạng internet, hỏi thêm kinh nghiệm từ các trại nuôi trùn quế lớn mình mới biết trùn chết là do nguồn thức ăn (phân từ động vật) một số loài thải ra không hợp với trùn quế...".
Với nhiều tháng "đắm đuối" với con trùn quế, anh Tình đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho bản thân và sẵn sàng chia sẻ cho mọi người đến học hỏi.
Để nuôi trùn quế thành công, anh Tình chia sẻ người nuôi phải chú ý: Trùn quế rất nhạy cảm, chúng có phản ứng mạnh với ánh sáng, nhiệt độ và biên độ nhiệt cao, độ mặn và điều kiện khô hạn. Nhiệt độ thích hợp nhất với trùn quế từ 20-27oC, độ ẩm thích hợp là 60-70%. Trùn quế rất thích sống trong môi trường ẩm ướt và có pH ổn định (khoảng 7-7,5). Trùn có khả năng chịu được phổ pH khá rộng từ 4-9, nếu pH quá thấp chúng sẽ bỏ đi hoặc bị chết.
Theo anh Tình, việc xây dựng nhà nuôi trùn quế phải thông thoáng. Ảnh:Vũ Thượng |
Ngoài ra, người nuôi trùn quế cũng nên kiểm tra nguồn thức ăn cho trùn trước khi cho ăn, phải sử dụng từ phân động vật, có nguồn gốc cụ thể. Và khu nhà nuôi trùn quế phải đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng, nước mưa, thường xuyên kiểm tra chuồng nuôi.
20 kg trùn quế giống thả trên 1m2. Ảnh: Vũ Thượng |
Cách chọn trùn giống tốt nhất là loại trùn bố mẹ được 45 ngày, trong 1 kg trùn giống có 20% trùn tinh, còn lại là sinh khối (phân và trứng kén). Giá bán trùn giống hiện nay 15.000 đồng/kg. Thông thường cứ 20 kg trùn giống thì nuôi vào 1m2 là đảm bảo.
Lời 50 triệu đồng mỗi tháng
Mỗi năm mô hình nuôi trùn quế của anh Tình thu mua khoảng 2.000 tấn phân trâu, bò...từ các trang trại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để về làm thức ăn cho trùn quế. Hằng tháng, với 1m2 chuồng nuôi trùn quế, anh Tình thu về 3kg trùn tinh với giá bán 80.000 đồng/kg. Trùn quế tinh được khách hàng mua chủ yếu làm thức ăn cho con lươn, tôm, cá...
Thức ăn cho trùn quế từ phân động vật, chủ yếu là phân trâu, bò... Ảnh: Vũ Thượng |
Bên cạnh đó, phân trùn quế mỗi tháng anh Tình bán khoảng 50-60 tấn, giá bán phân trùn quế là 2.000 đồng/kg. Phân thải vật nuôi sau khi được trùn quế tiêu hóa trở thành phân trùn. Phân trùn quế chứa hàm lượng N-P-K, các khoáng chất vi lượng cao. Phân trùn quế chứa hơn 50% chất mùn, không có mùi hôi, không có độc tố như các loại phân thải khác nên rất tốt cho việc trồng rau sạch, ươm cây giống, cây cảnh bonsai…Phân trùn quế có thể bón cho cây trồng với số lượng "quá tay" cũng không khiến cây ngộ độc như với phân bón hóa học...
Theo anh Tình, phân trùn quế bón cho cây ăn quả rất tốt. Ảnh: Vũ Thượng |
Ngoài ra, phân trùn quế còn qua sàn lọc, xử lý thành dạng viên (phân khô) với giá bán 20.000 đồng/kg. Đồng thời, lượng trùn thịt (trùn bố mẹ) chế thành dịch trùn, dùng phun, tưới khỏi sâu bệnh phá hại trên cây trồng rất hữu hiệu.
Phân trùn quế xử lý thành dạng viên. Ảnh: Vũ Thượng |
Trang trại nuôi trùn quế của anh Tình đang tạo công việc cho 2 lao động với mức lương 5 triệu đồng/ tháng. Trừ mọi chi phí mỗi tháng gia đình thu lời gần 50 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Lê Văn Tình cho biết: "Ban đầu nuôi trùn quế tôi chưa có nhiều kinh nghiêm, thị trường tiêu còn hạn hẹp nên gia đình rất lo lắng. Sau nhiều năm nuôi con trùn quế cũng thấy hiệu quả cao hơn so với nuôi lợn, gà, vịt...Mô hình nuôi trùn đã xứ lý một lượng lớn phân động vật thải ra môi trường. Riêng trùn quế, phân trùn quế...đang được nhiều trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả mua về sử dụng. Tới đây tôi sẽ xây dựng thêm chuồng nuôi để cung ứng phân trùn đi nhiều tỉnh thành hơn trong nước...".
(Theo Dân trí)