Theo UBND huyện Cát Hải, ban đầu chỉ có khoảng hơn 30 bè nuôi hải sản nằm rải rác trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Tuy nhiên, đến khoảng năm 2008 đã có 571 bè với 10.049 ô lồng, 400 nhân khẩu và tính đến hết năm 2021, trên các vịnh của quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể. Các cơ sở này tập trung tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu, vịnh Gia Luận, nuôi các loại như cá song, cá giò, cá vược, cá chim, cá hồng cùng các loài nhuyễn thể như tu hài, ngao hai vòi, hàu...
Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở quần đảo Cát Bà đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội của huyện Cát Hải, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân trên đảo Cát Bà; hàng năm cung cấp một lượng lớn thực phẩm cho tiêu dùng của thành phố và du khách.
Để đưa thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc… như Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã xây dựng và triển khai đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Mục tiêu của đề án là hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà sẽ được tổ chức, sắp xếp theo đúng các quy định của pháp luật; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý và sản xuất để bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả và hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững.
Đồng thời, gắn phát triển nuôi trồng thủy sản với du lịch, bảo vệ di sản theo hướng hợp tác để nâng cao giá trị, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân dựa trên mô hình quản lý, tổ chức, liên kết phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương và các quy định có liên quan. Nhất là sẽ chủ động được phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và di sản. Mặt khác, cải thiện cảnh quan thiên nhiên, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội, chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Để thực hiện Đề án này, ngày 18/11/2022, UBND TP Hải Phòng có quyết định phê duyệt “Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà”. Trong đó, đề án yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vật liệu nhà nổi, lồng nổi bằng vật liệu HDPE đã được kiểm nghiệm và chứng minh, đáp ứng các yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
HDPE là vật liệu ứng dụng rất tốt trong nuôi biển. Hiện nay, nhiều tỉnh thành ven biển đã triển khai ứng dụng vật liệu HDPE cho ngành nuôi trồng thủy sản. HDPE có tuổi thọ từ 30-50 năm, an toàn với môi trường biển, chống chịu gió bão, thân thiện môi trường, đặc biệt đáp ứng tốt kế hoạch phát triển nuôi biển công nghiệp, công nghệ cao.
Nhiều năm qua, các hộ ngư dân nuôi trồng thủy sản trên Vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà vẫn sử dụng các vật liệu truyền thống như bè tre, gỗ, thùng phuy để nuôi. Hơn nữa, việc nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh còn manh mún, ngắn hạn lại sử dụng vật liệu thô sơ thế nên dù kinh doanh có lãi nhưng không nhiều, trong khi tác hại của các vật liệu này ảnh hưởng tới môi trường không hề nhỏ. Đặc biệt sau mỗi một cơn bão đi qua gây thiệt hại nhiều về tài sản, vật nuôi thậm chí là tính mạng của ngư dân.
Chính vì vậy, UBND TP Hải Phòng phê duyệt “Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà” là để các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vật liệu nhà nổi, lồng nổi bằng vật liệu HDPE, vừa đảm bảo môi trường vừa kinh doanh có hiệu quả.
Thời gian qua, việc thực hiện đề án đang được các cơ quan chức năng và địa phương liên quan rốt ráo thực hiện. Song song với đó là việc tổ chức nuôi trồng thủy sản theo quy định và tập trung thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà hoàn thành trước ngày 30/6/2023.
Sau gần 2 năm khẩn trương và quyết liệt, theo báo cáo của UBND huyện Cát Hải, đến hết tháng 8/2023, huyện Cát Hải đã thực hiện xong việc tháo dỡ hơn 439 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên 58.000m2 giàn nuôi nhuyễn thể trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Cát Hải là vùng trọng điểm về kinh tế, du lịch và vùng phên giậu về quốc phòng và an ninh, có quần đảo Cát Bà, nơi hội tụ đầy đủ các giá trị đa dạng sinh học và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ cảng biển. Việc chuyển đổi, thay thế bằng vật liệu HDPE toàn phần để đảm bảo môi trường, đồng thời góp phần phát triển kinh tế biển của Cát Hải nói riêng và TP Hải Phòng nói chung bền vững.