Thông qua hình thức nạp tiền thật để mua sắm hoặc đầu tư, những mô hình này sẽ tặng lại cho người dùng “tiền ảo”, “điểm ảo” với tỷ lệ hấp dẫn, song việc quy ngược các đơn vị ảo này thành tiền mặt thì rất khó…
"Trắng tay" vì tham gia sàn thương mại điện tử
Trong đơn cầu cứu gửi tới cơ quan chức năng và báo chí, các nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành cho biết Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam (mã số doanh nghiệp 0108516745; trụ sở chính: tầng 2 số 79 Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) do ông Nguyễn Văn Anh làm người đại diện theo pháp luật đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ bằng cách chiêu dụ đóng tiền tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) với lãi suất hấp dẫn, khiến nhiều người đứng trước cảnh nợ nần, mất tiền, mất nhà.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phương (SN 1984, thường trú xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cho biết tháng 7-2019, thông qua người quen chị biết đến trang TMĐT Bigbuy24h.com của Công ty Bigbuy24h. Theo lời giới thiệu của công ty, Bigbuy24h.com không chỉ là trang TMĐT mà còn là kênh tiếp thị trung gian giữa người mua và người bán với hình thức mua bán chuyên nghiệp, hiện đại hàng đầu Việt Nam.
Công an tỉnh Bình Phước thông tin cảnh báo ứng dụng “thần đèn” MyAladdinz có dấu hiệu kinh doanh đa cấp lừa đảo. |
Đại diện Công ty Bigbuy24h, ông Nguyễn Văn Anh cam kết khi chị Phương và những người khác bỏ tiền mở các shop bán hàng online trên trang Bigbuy24h.com thì số tiền trong tài khoản sẽ ngay lập tức được nhân lên gấp ba lần số tiền đã nộp. Ngoài ra, người mở shop online còn được hưởng tiền lãi do Bigbuy24h chi trả hàng ngày.
Theo chị Phương, người của Bigbuy24h đã hướng dẫn chị và những người khác tải về ứng dụng trên điện thoại có tên Bigbuy24h đồng thời nhập mã giới thiệu (mã giới thiệu là số điện thoại của người giới thiệu chị Phương vào). Sau khi tải ứng dụng về theo hướng dẫn, mọi người cung cấp thông tin cá nhân và chị Phương được tạo một gian hàng online trên Bigbuy24h.com.
Tuy nhiên, để bán được các mặt hàng trên Bigbuy24h, cần phải đăng ký shop và phải tạo ví cá nhân, nghĩa là phải nạp tiền vào ứng dụng Bigbuy24h mới có thể trao đổi mua bán các mặt hàng và ngay sau khi chị Phương nạp tiền, số tiền trong tài khoản của chị mở tại trang web của công ty mới được nhân gấp ba lần.
Chị Phương cho biết phía công ty hướng dẫn có hai phương thức nạp tiền là nạp vào số dư trong tài khoản của shop hoặc nạp trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của công ty. Ngoài ra, nếu giới thiệu người khác cùng tham gia, chị Phương sẽ được hưởng phần trăm trên số tiền mà Bigbuy24h chiết khấu từ người chị giới thiệu.
“Trong suốt khoảng thời gian từ khi nộp tiền mở shop online trên trang web của công ty đến tháng 5-2020, thấy công ty liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi và cũng có rất nhiều người tham gia nên tôi tin tưởng vào sự phát triển của công ty, tiếp tục nộp tiền cũng như giao dịch mua bán qua trang TMĐT Bigbuy24.com. Đến nay số tiền mà tôi bị chiếm đoạt cũng lên tới114 triệu đồng”, chị Phương nói.
Cũng như chị Phương, anh Nguyễn Hoàng Thanh Nhân (SN 1986, thường trú phường 4, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) tố cáo Bigbuy24h mà ông Nguyễn Văn Anh là người đại diện, đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của anh số tiền hơn 1,2 tỷ đồng…
Hiện Bigbuy24h đã sập hệ thống phần mềm, khách hàng không thể giao dịch, không rút được tiền trong tài khoản. |
Chị Nguyễn Thị Bảo Yến (SN 1994, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh) tham giá bán hàng trên Bigbuy24.com cho biết, chị giao hàng thật cho khách nhưng nhận lại là tiền mã hóa và công ty hứa sẽ được rút ra bằng tiền Việt, nhưng cuối cùng số tiền chị bán hàng gần 70 triệu đồng không thể rút được và coi như là mất hết…
Đến ngày 18-5-2020, Công ty Bigbuy24h đột ngột dừng mọi hoạt động trên trang web, khách hàng tham gia không thể truy cập được. Ngày 12-6-2020, Bigbuy24h sập hoàn toàn hệ thống phần mềm, khách hàng không thể vào kiểm tra được tài khoản và tiền của mình, không thực hiện được các giao dịch, cũng không rút được tiền trong tài khoản.
Theo những khách hàng tham gia, lúc đầu khi liên lạc với công ty thì ông Văn Anh cam kết sẽ hoàn trả lại bằng tiền mặt cho những người đã nộp tiền vào công ty. Nhưng sau đó, ông Văn Anh lại nói sẽ trả tiền dưới hình thức quy đổi ra đồng tiền ảo của một công ty nước ngoài (trước đó, theo mô hình của Bigbuy24h, tất cả những khoản tiền được cam kết đều sẽ quy đổi thành cơ chế tích điểm. Sau đó, điểm này lại được sàn chuyển sang tiền ảo SBcoin do công ty này tự phát hành). Hầu hết khách hàng không chấp nhận phương án trên mà yêu cầu công ty trả lại bằng tiền Việt Nam đồng.
Sau khi tìm mọi cách nhưng không liên lạc được với ông Văn Anh hay bất kỳ lãnh đạo nào của Công ty Bigbuy24h, đến lúc này, khách hàng mới biết có rất nhiều người cũng bị lừa giống họ.
Các ứng dụng "cashback - hoàn tiền" có nhiều dấu hiệu bất thường
Mới đây, một ứng dụng khác đã xuất hiện với cách thức và hoạt động tương tự, đó là IBG. Theo giới thiệu trên website chính thức ibg.zone, IBG (viết tắt của Intelligent Bussiness in Global) là một ứng dụng mua sắm trực tuyến thông minh, kết nối người bán và người mua. Ứng dụng IGB cung cấp dịch vụ tích điểm cho khách hàng bằng việc hoàn lại (cashback) 80% giá trị đơn hàng.
Khách hàng khi nạp tiền mua hàng trong IBG sẽ không nhận 80% giá trị tiền mặt mà được quy đổi sang điểm, gọi là “point”. Mỗi ngày, số point này sẽ sinh ra lãi với tỷ lệ 0,1 - 0,2% IBG trên tổng số point, trong đó IBG cũng là tên đơn vị tiền ảo giao dịch nội bộ trong ứng dụng.
Ứng dụng IBG cũng hoạt động tương tự Bigbuy24h. |
Ngoài ra, IBG cũng có một hình thức gọi là “đầu tư”, tức là người dùng nạp tiền thật vào app để mua đồng IBG, sau đó nhận lãi hằng ngày. Các gói đầu tư trên app IBG được giới thiệu từ Silver đến Diamond, tương ứng số tiền đầu tư từ 100 - 5.000 USD; quy đổi thành điểm nhận được từ 500 - 250.000 point.
Đặc biệt khi giới thiệu thêm người dùng mới vào mạng lưới thì bản thân người giới thiệu cũng được hưởng “hoa hồng” và mức nhận về có thể lên tới 18 tầng phía dưới.
Theo thông tin công bố, ứng dụng IBG được vận hành bởi Công ty TNHH IBG Việt Nam (IBG Việt Nam). Doanh nghiệp này chỉ mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép thành lập từ ngày 7-5-2020 có trụ sở đăng ký đặt tại tòa nhà số 708-720 đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, trên các trang web lại giới thiệu trụ sở chính của công ty đặt tại 602 đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Đáng nói, dù hoạt động kiểu như mô hình TMĐT nhưng công ty này hoàn toàn không đăng ký với cơ quan chức năng. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, căn cứ pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, qua rà soát, app IBG chưa có thông báo cũng như đăng ký với Bộ Công Thương. Đối với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đơn vị này cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng này…
Có thể thấy, thời gian vừa qua, nhiều mô hình đa cấp biến tướng tại Việt Nam đã lợi dụng khái niệm cashback - hoàn tiền khi mua sắm để dụ dỗ người dùng. Thông qua hình thức nạp tiền thật để mua sắm hoặc đầu tư, những mô hình này sẽ tặng lại cho người dùng “tiền ảo”, “điểm ảo” với tỷ lệ hấp dẫn, song việc quy ngược các đơn vị ảo này thành tiền mặt thì rất khó.
Những hệ thống đa cấp như vậy sẽ sụp đổ khi không thể thu hút người mới vào mạng lưới, và khả năng cao số tiền đầu tư người dùng bỏ ra sẽ mất trắng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), các ứng dụng “hoàn tiền” khi mua sắm về bản chất là một mô hình TMĐT B2C kết nối người tiêu dùng và và doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp quyết định hoàn tiền cho khách là mở rộng hệ thống khách hàng bằng cách chiết khấu “hoa hồng” hoặc hoàn tiền khi người dùng giới thiệu cho một khách hàng khác.
Với tỷ lệ hoàn tiền lên tới 80%-100%, nhiều website/ứng dụng quy định chỉ “hoàn tiền” dưới dạng tích điểm trên hệ thống nội bộ, không quy đổi hoặc quy đổi ra tiền mặt với giá trị rất nhỏ, có nhiều dấu hiệu bất thường.
Chưa kể một số loại “tiền ảo” hay ví điện tử nội bộ của các ứng dụng như Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC có nguy cơ lừa đảo. Bởi trên thực tế, đây là những loại tiền ảo, ví điện tử Việt Nam không công nhận là trung gian thanh toán. Pháp luật không bảo vệ các giao dịch liên quan tới chúng. Ngoài ra, việc hưởng “hoa hồng” theo cấp, tầng, nhánh cũng rất đáng ngờ…
Bộ Công Thương đã tiếp nhận khoảng 100 lượt đơn khiếu nại, kiến nghị, tố cáo... liên quan đến những người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp. Chuyển cơ quan Công an có thẩm quyền xử lý đối với đơn thư phản ánh dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, kinh doanh đa cấp không phép.
(Theo Cảnh Sát Toàn Cầu)