- Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, thời tiết bất thường và bay ở độ cao thấp là các yếu tố, nguyên nhân kết hợp khiến máy bay Casa 212 gặp tai nạn.
Chiều 24/6,Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội NDVN trao đổi với báo chí một số thông tin về việc tìm kiếm hai máy bay mất tích.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn |
Do sự cố buồng lái
Xin Thượng tướng cho biết khái quát về những hoạt động mà Bộ Quốc phòng đã thực hiện trong những ngày qua nhằm tìm kiếm và khắc phục hậu quả của hai vụ tai nạn máy bay Su30 MK2 và Casa 212, cũng như những kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian tới?
Tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện theo 3 việc cần làm, đầu tiên khi có tai nạn hàng không là xác định máy bay có rơi không, hai là xác định số phận phi hành đoàn, ba là khẩn trương tìm các biện pháp để trục vớt liên quan đến máy bay.
Thời tiết thực tế lúc đó biến đổi bất thường, không ổn định, máy bay do đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn nên bay ở độ cao thấp, đây là các yếu tố, nguyên nhân kết hợp gây ra tai nạn cho Casa 212. |
Nay ta đã khẳng định máy bay Su30-MK2 của Không quân VN bị rơi ở Đông Bắc đảo Hòn Mắt, thuộc vùng biển VN, cách bờ khoảng 40km, còn Casa212 của Lữ đoàn Không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân rơi ở vị trí khoảng 30km về phía Nam - Đông Nam của đảo Bạch Long Vĩ, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 50km.
Với máy bay Su30, ta đã cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường và vớt được thi thể phi công Trần Quang Khải đã hy sinh. Còn 9 thành viên phi hành đoàn Casa212 thì đã hy sinh.
Việc trục vợt, trong giai đoạn 14-24/6 ta đã thực hiện được một số nội dung rất cơ bản: Cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường, vớt được thi thể phi công Trần Quang Khải. Hiện nay, nhiều thi thể của phi hành đoàn Casa212 đã vớt được cùng những bộ phận, vật thể quan trọng liên quan đến hai máy bay.
Công việc tiếp theo phải làm là các chính sách cho các đồng chí đã hy sinh, cũng như gia đình họ, theo quy định của Đảng, nhà nước và Bộ Quốc phòng đối với các quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ rất rõ đã triển khai cụ thể là với phi công Trần Quang Khải.
Thứ ba, ta tiếp tục tìm kiếm các vật thể có liên quan đến hai máy bay, trong đó có bộ phận quan trọng là hộp đen, để từ đó kết hợp với các yếu tố khách quan khác để tìm, phân tích nguyên nhân tai nạn, từ đó phòng ngừa tai nạn trong tương lai.
Với Su30, qua thông tin của phi công Nguyễn Hữu Cường, người đã thoát hiểm và sức khỏe ổn định, nguyên nhân ban đầu là có sự cố trong buồng lái nên phi công phải nhảy dù thoát hiểm. Sẽ đánh giá tiếp thông qua các thông tin khách quan sẽ tìm được tiếp theo.
Với Casa là máy bay đang đi làm nhiệm vụ cứu nạn Su-30, hiện đang tìm kiếm hộp đen, căn cứ vào đó sẽ cùng với các yếu tố khác đánh giá nguyên nhân. Nhưng chúng ta biết rằng thời tiết thực tế lúc đó biến đổi bất thường, không ổn định, máy bay do đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn nên bay ở độ cao thấp, đây là các yếu tố, nguyên nhân kết hợp gây ra tai nạn.
TQ đã chủ động nhiệt tình giúp
Những ngày vừa qua, người dân cả nước đã ghi nhận sự nỗ lực cũng như quyết tâm của các lực lượng trong và ngoài quân đội để tìm kiếm hai máy bay. Đó có phải là nguyên nhân có được kết quả như nêu trên?
Ngoài lý do nhân đạo, đúng luật pháp quốc tế, giữa ta và TQ còn có quan hệ láng giềng, vị trí rơi là sát đường phân định. |
Trong vòng chỉ 10 ngày mà ta đạt được kết quả tìm kiếm như vậy, là tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Nhiều ví dụ liên quan tai nạn hàng không trong nhiều năm không tìm đươc, cụ thể nhất là MH370 hay gần đây nhất là ở Ai Cập. Với ta, trong một vùng biển rộng lớn và 2 tai nạn, ta đã tập trung thực hiện đạt kết quả là do các nguyên nhân sau.
Trước tiên là do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm, quan tâm sâu sắc và chỉ đạo ngay lập tức. Quân ủy TƯ Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, đã lập tức, kiên quyết, quyết liệt chỉ đạo triển khai những biện pháp đồng bộ, phương tiện và lực lượng để kịp thời tìm kiếm cứu nạn.
Thứ hai là các lực lượng khi huy động đã được tổ chức khoa học, đồng bộ, triển khai có kế hoạch dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Tổng tham mưu, các lực lượng liên quan trong quân đội như quân chủng hải quân, phòng không không quân, cảnh sát biển, biên phòng, quân khu 3, quân khu 4, công binh... đã được huy động tổng lực theo kế hoạch cụ thể. Các bên liên quan như UB quốc gia tìm kiếm cứu nạn, bộ GTVT, cục Hàng không dân dụng, cục Hàng hải, TT tìm kiếm cứu nạn hàng không... đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả.
Ba là hệ thống tổ chức đảm bảo thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật, trang bị và đặc biệt là sự phối hợp từ UBND các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, đồng thời huy động tổng lực lực lượng ngư dân. Ngư dân ta rất tốt và nhiệt tình, khi được thông báo chỉ đạo thống nhất đã phối hợp kịp thời, đóng góp quan trọng trong tìm kiếm, góp phần trực tiếp tìm được những vị trí cần xác định như tìm thi thể phi công, vị trí máy bay rơi, đặc biệt là cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường sau 20 giờ lênh đênh trên biển.
Thứ tư là dù trong điều kiện đất nước khó khăn, Đảng, Nhà nước và quân đội đã quan tâm trang bị hiện đại cho công tác tìm kiếm cứu nạn, như hệ thống định vị sonar, tìm hộp đen, dò mìn, người nhái..., kết hợp với các phương tiện truyền thống, dẫn đến hiệu quả nhanh trong điều kiện thời tiết khó khăn, khắc nghiệt, ban đêm, sóng to gió lớn, tưởng chừng công việc còn phải kéo dài.
Thứ năm là sự hợp tác quốc tế trong tìm kiếm cứu nạn. Ngay sau khi có thông tin, nước láng giềng TQ đã lập tức chủ động đề nghị ta cung cấp thông tin và đề xuất biện pháp vì máy bay rơi gần đường phân định vịnh Bắc Bộ và thực tế phải mở rộng tìm kiếm sang phía Đông đường phân định, TQ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện của ta như máy bay, tàu. TQ cũng cử nhiều tàu, máy bay, phương tiện giúp tìm ở phía Đông đường phân định.
Đại sứ Mỹ tại VN cũng nhanh chóng thông báo rằng Mỹ sẵn sàng chia sẻ, phối hợp, giúp VN tìm kiếm cứu nạn. Một số tập đoàn liên quan như Airbus - nhà cung cấp máy bay Casa 212, tập đoàn Mỹ cung cấp thiết bị tìm kiếm hộp đen..., cũng cử chuyên gia sang trao đổi thông tin đồng bộ với ta để phối hợp tìm kiếm.
Việc xác định vị trí Casa 212 kịp thời cũng là có sự thông báo của một tàu New Zealand đi qua vùng biển này, phát hiện các vật thể đã có trách nhiệm dừng lại, thông báo và chờ ta đến trục vớt và xác định là của Casa 212.
Qua đó cho thấy, VN đã tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế trong nhiệm vụ này. Ngoài lý do nhân đạo, đúng luật pháp quốc tế, giữa ta và TQ còn có quan hệ láng giềng, vị trí rơi là sát đường phân định.
Cần nói thêm là tình cảm. Khi máy bay MH370 gặp tai nạn nghi là trong khu vực biển của chúng ta quản lý, ta đã cử rất phương tiện ra tìm kiếm. Trên máy bay này, đa số là người TQ. Chính Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, Đại tá Lê Kiêm Toàn đã thực hiện nhiều chuyến bay tìm kiếm. TQ khi nghe thông báo đã rất cảm động và nhiệt tình giúp đỡ, thể hiện trách nhiệm, có đi có lại.
Hy vọng thời gian tới, với khả năng, năng lực và cách chỉ đạo hiện nay, ta sẽ kết thúc, hoàn thành được việc tìm kiếm cứu nạn và giải quyết hậu quả của hai vụ tai nạn máy bay. Qua đó, ta cũng sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để phòng ngừa trong tương lai, củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức chiến đấu của Quân đội NDVN nói chung và không quân nói riêng.
Chung Hoàng