Khi nhắc đến xã Trung Chánh (H. Hóc Môn, TPHCM), người ta nghĩ ngay đến làng nghề chế tác mỹ nghệ từ xương, sừng và móng. Thế nhưng làng nghề này đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ” khi chỉ còn vài ba hộ bám nghề.
Tay trắng thành triệu phú
Những ngày cuối năm, chúng tôi theo chân chị Đinh Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chánh đến cơ sở mỹ nghệ Tài Vinh. Đang đánh bóng chiếc sừng trâu trong công đoạn cuối, thấy có khách, anh Đỗ Thế Vinh (chủ cơ sở) phủi vội hai bàn tay vào chiếc áo: “Tôi đang chạy nước rút cho kịp đơn hàng Tết. Còn đơn hàng lúc nào, tôi tranh thủ làm lúc đó. Hy vọng con cháu sẽ có đứa chịu theo nghề; nếu không, chắc nghề này với tôi chỉ còn là hoài niệm”.
Để có những tác phẩm đẹp, người thợ phải chấp nhận sống chung với bụi trong quá trình làm. |
Cách đây 15 năm, vợ chồng anh Vinh từ Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào TPHCM, không có nghề lận lưng, vợ chồng anh đi giúp việc cho một xưởng ngà sừng ở huyện Hóc Môn. Sau hai năm đổi công học nghề, đôi vợ chồng trẻ thuê một mảnh đất nhỏ ở xã Trung Chánh vừa ở, vừa làm nghề. Ban đầu chỉ là chế tác xương, sừng làm lược, trâm cài đầu, bông tai… Làm được hàng, vợ ôm mẹt lên các chợ ở trung tâm thành phố bán, còn chồng chạy xe khắp nơi “tiếp thị” sản phẩm ở các cửa hàng lưu niệm.
Không ngờ, hàng rất được chuộng, nhất là du khách nước ngoài. Rồi có nhiều người đặt hàng mỹ nghệ sừng theo yêu cầu, những đại lý hàng thủ công mỹ nghệ chợ Bến Thành, An Đông cũng trở thành mối của chị Duyên. Nhờ đó, hai vợ chồng dần ăn nên làm ra, thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/tháng. Chị Duyên (vợ anh Vinh nói: “Nhu cầu thị trường về hàng thủ công ngà sừng cao lắm, hàng làm ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu”.
Chị Đỗ Thị Kim Chung thâm niên hơn hai mươi năm làm nghề kể, những năm 90, chị cũng hoang mang khi thấy nhiều người bỏ nghề, nhưng chị và gia đình vẫn quyết tìm một hướng đi mới. Ngày ấy, sừng, móng chủ yếu làm lược chải đầu, trâm cài tóc… chị mạnh dạn đầu tư sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ Acrylic phục vụ nhu cầu làm đẹp như: vòng đeo tay, bông tai, kẹp tóc…; các công cụ cho nghề trang điểm như: chụp máy sấy tóc; đến mặt hàng trang trí nội thất: chụp đèn, bảng quảng cáo… Làm ăn có uy tín, chị ký được những hợp đồng dài hạn với các công ty mỹ nghệ lớn ở Thủ Đức, Bình Dương và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Vinh bên các tác phẩm của mình. |
Anh Nguyễn Văn Tính (ấp Mới 2) đã có 18 năm trong nghề, cho biết, để tìm được nguyên liệu sừng móng vừa ý, anh phải xuống tận các lò ở Biên Hòa, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang để săn lùng hàng. Chất liệu càng đẹp thì sản phẩm càng có giá trị. Trung bình một bộ sừng thành phẩm tùy kích cỡ, có giá từ 20 triệu- 100 triệu đồng. Là người chuyên cung cấp hàng sừng, móng đã qua sơ chế để các hộ gia đình chế tác, anh nhẩm tính: Tiền lời phần bán nguyên liệu khoảng sáu – bảy triệu đồng/tháng, tiền bán thành phẩm khoảng bốn - năm triệu/tháng. Tổng cộng thu nhập khoảng chục triệu đồng/tháng là không có gì khó đối với những người làm nghề chế tác ngà sừng.
Nguy cơ bệnh tật
Theo những người làm nghề, nghề xương, sừng, móng này có từ trước năm 1975, do những người di cư từ miền Bắc đưa vào.Lúc đó, nhà nào cũng làm sừng, hàng làm không kịp giao. Sản phẩm từ xương, sừng móng ở làng nghề này không thiếu thứ gì, từ những mặt hàng mỹ nghệ, đồ trang trí cao cấp cho đến đôi đũa, quân cờ tướng, mũ chụp đèn hay chiếc trâm, cái lược… Những mặt hàng chế tác được ưa chuộng nhiều nhất là rồng, công, phượng, đại bàng… rất tinh xảo. Không chỉ dùng làm quà lưu niệm, vật trang trí, trưng bày, những con giống làm từ sừng còn có giá trị sử dụng. Một con cua, con rùa làm bằng sừng nếu để trưng bày sẽ rất đẹp và sinh động, nhưng khi mở nắp bụng ra lại có chức năng là chiếc gạt tàn thuốc lá.
Trước kia, các sản phẩm mỹ nghệ chủ yếu được làm từ sừng thì nay đã có thể dùng thêm nguyên liệu là móng trâu, bò. Tuổi nghề giúp người thợ “lớn” lên về sự khéo léo, tính sáng tạo, để có mặt hàng mới, hấp dẫn khách hàng, bởi các sản phẩm được làm ra không có khuôn mẫu sẵn mà hoàn toàn thủ công và do sự sáng tạo của mỗi người. Tuổi nghề cũng giúp họ phân biệt chất liệu chế tác nên sản phẩm. Ví dụ sản phẩm làm từ sừng trâu trắng có giá trị hơn sừng trâu đen; làm từ sừng có giá trị hơn làm từ móng…Qua bàn tay khéo léo của người thợ, mọi thứ tưởng vô nghĩa đều trở nên có nghĩa, đều đẹp và sáng bóng như nhau, không thể phân biệt được đâu là sừng, đâu là móng nữa.
Dẫn tôi thăm kho sừng, xương lúc chưa chế tác,anh Vinh bộc bạch: “Tôi cũng lo sức khỏe bị ảnh hưởng nên “cách ly” nhà. Theo anh Vinh, nguyên liệu hàng thủ công mỹ nghệ ngà sừng chủ yếu là từ xương ống, sừng, móng trâu, bò; đôi khi thêm vỏ sò, ốc. Việc chế tác sừng cũng lắm công phu. Sừng, móng tươi thu mua về phải phơi khoảng một tuần cho khô. Sau đó, luộc nguyên liệu thô trong dầu sôi cho mềm, đưa vào máy ép thủy lực, cán thành những miếng sừng mỏng. Ngày trước, khi chưa có máy ép, người thợ phải dùng vồ gỗ nặng vài chục ký đập cho phẳng, hao tốn rất nhiều công sức.
Kho sừng trước khi chế tác. |
Để làm ra một mặt hàng, phải qua ít nhất 30 công đoạn, từ cắt phân đoạn, luộc, ép, đến réo thành khuôn, chà nhám, điêu khắc, đánh bóng… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tinh mắt, chỉ cần một sơ suất nhỏ là bị lỗi phải bỏ đi. Công đoạn luộc, ép sừng rất độc hại. Người thợ phải trực tiếp ngồi bên nồi dầu sôi, chịu cái nóng bỏng rát mặt, mùi dầu, mùi hôi nồng nặc của xương để canh sao cho sản phẩm đúng độ mềm quy định. Rồi lúc mài, chế tác… bụi trắng bám đầy căn nhà, đầy mặt mũi, tóc tai người thợ; thế nhưng vì nghề, vì thu nhập khá, họ vẫn chấp nhận “sống chung” với nó.
Trao đổi với bà Thanh Tâm về việc làm cách nào để duy trì, khôi phục làng nghề, bà thở dài: “Khó lắm, vì đây là nghề cha truyền con nối, chỉ những người yêu nghề mới làm, còn nếu mở ngành thêm thì chỉ người ngoài quê vào chứ khó kêu gọi người dân vào làm lắm. Hội cũng thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở người làm nghề phải đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe, dựng kho đựng phụ phẩm, tránh gây ô nhiễm môi trường”.
Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho biết: “Để bảo tồn và phát triển làng nghề, cần phải gắn với phát triển du lịch sinh thái, cách tiếp thị sản phẩm… Mặc dù sản phẩm từ xương, sừng, móng đã có mặt tại nhiều nước, như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Anh, Mỹ... nhưng đa số đều qua khâu trung gian là chính. Hơn nữa, sản phẩm cũng chưa xây dựng được thương hiệu làng nghề, người làm nghề cũng không mặn mà với việc liên kết, hợp tác với nhau nên để phát triển nghề xương, sừng, móng sẽ còn rất khó khăn”.
“Việc mài các loại xương, sừng, móng sẽ tạo ra bụi giống như bụi trong không khí, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe đến con người nếu hít phải. Đeo khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn bớt bụi chứ không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh. Nếu hít phải bụi trong thời gian lâu sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các bệnh có liên quan đến đường thở, phổi, họng, mắt… Vì vậy, người dân cần phải đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ. Đặc biệt là hạn chế để trẻ em lại gần và tiếp xúc với khói bụi”- BS CK1 Quách Minh Phong – Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt phân tích. |
(Theo Tiền Phong)