Phản ánh đến PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thanh (trú tại thôn Chiến Thắng, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, tại địa phương hiện có những hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã được chính quyền cấp xã lập đúng quy định, Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh An Dương thẩm định, chuyển thông tin sang cơ quan thuế, công dân đã nộp nghĩa vụ tài chính đầy đủ, nhưng nhiều tháng nay vẫn không được trả sổ.
“Người dân phải chạy qua chạy lại hết phòng này đến ban khác, cuối cùng là tắc ở Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện. Đơn vị này "ngâm" hồ sơ của dân nhiều tháng mà không thông báo lý do, hoặc yêu cầu bổ sung những thứ không có trong quy định", bà Thanh nói.
Tương tự, ông Vũ Văn Đọc (ở thôn Cữ, xã Lê Thiện) đại diện thừa kế đứng tên thửa đất có diện tích hơn 700m2 của cha mẹ để lại và xin cấp sổ đỏ. Hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ lần đầu của gia đình ông Đọc đã được chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng chờ đợi 5 tháng sau, ông phải gửi đơn lên các cơ quan truyền thông, sổ đỏ của ông mới được Phòng TN&MT hoàn tất.
Trường hợp gia đình ông Đỗ Đắc Từ, trú tại thôn Thành Công, xã Đặng Cương cũng gian nan không kém. Ông Từ là con liệt sỹ. Theo trình bày của ông Từ, gia đình có thửa đất diện tích 1000m2, nguồn gốc là đất ở thổ cư cũ thuộc trường hợp đất gia tiên để lại, sử dụng ổn định trước năm 1980.
Theo báo cáo về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất của UBND xã Đặng Cương, thửa đất số 68, tờ bản đồ số 14 diện tích 1000m2 của ông Từ đề nghị cấp GCNQSDĐ có nguồn gốc là đất ở thổ cư cũ trước năm 1980. Ông Từ đã sinh sống liên tục, ổn định trên thửa đất này. Hàng năm, ông Từ đóng đầy đủ nghĩa vụ tài chính đất ở phi nông nghiệp tại địa phương đối với thửa đất này.
Sau khi thẩm định, Chi nhánh VP ĐKĐĐ An Dương xác định, đây là trường hợp sử dụng trước 15/10/1993 phải đóng tiền 50%. Ông Từ đã nộp đủ nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước theo yêu cầu. Đến nay đã quá 4 tháng, ông vẫn chưa nhận được kết quả.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, một số hồ sơ còn bị Phòng TN&MT huyện trả lại với những lý do không phù hợp với quy định hiện hành như yêu cầu người dân phải bổ sung những tài liệu, hình ảnh không có trong quy định của luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT, UBND TP Hải Phòng, Sở TN&MT TP Hải Phòng.
Như trường hợp gia đình ông Hoàng Thanh Lài đã có đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất diện tích 360m2 tại thôn Văn Tiến, xã Đại Bản. Trong văn bản gửi trả hồ sơ, Phòng TN&MT huyện An Dương yêu cầu trên tờ danh sách công khai kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ phải bổ sung chữ ký xác nhận của trưởng thôn và công chức địa chính xã.
Trong khi đó, tài liệu này được UBND xã Đại Bản thực hiện theo mẫu chuẩn số 06/ĐK (Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT) không hề yêu cầu phải có chữ ký của những người này.
Phòng TN&MT huyện An Dương còn yêu cầu bổ sung hình ảnh in màu hiện trạng thửa đất và thể hiện tọa độ vị trí khu đất, tên tuổi của chủ sử dụng đất, có chữ ký xác nhận của chủ sử dụng đất, lãnh đạo UBND xã. Đây là tài liệu không có trong danh mục các tài liệu cần có trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ theo quy định.
Sẽ xem xét luân chuyển lãnh đạo Phòng TN&MT
Theo quy định, thời gian để cơ quan quản lý tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp GCNQSDĐ cho công dân không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ cần được xử lý và trả lại trong vòng 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận để công dân và các cơ quan có liên quan bổ sung.
Trả lời PV VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương Lê Văn Cường cho biết, lãnh đạo huyện có nghe được nhiều phản ánh về tình trạng cấp GCNQSDĐ cho công dân bị chậm trễ. Nguyên nhân chủ yếu “mắc” lại ở Phòng TN&MT.
Ông Cường thừa nhận để xảy ra tình trạng này là do năng lực, phương pháp làm việc của lãnh đạo phòng TN&MT chưa hợp lý và nghiệp vụ cũng chưa cao.
“Để chấn chỉnh, huyện đang xem xét luân chuyển lãnh đạo Phòng TN&MT, bố trí nhân sự khác phù hợp để đảm bảo quyền lợi cũng như đẩy nhanh nhất quy trình cấp sổ đỏ cho công dân trên địa bàn” ông Cường khẳng định.