Trong thông tin mới phát ra hôm nay, ngày 10/11/2017, VNPT cho hay, một hoạt động nổi bật của tập đoàn trong tuần vừa qua chính là tập trung đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại TP.Đà Nẵng.
Theo VNPT, đúng vào khoảng thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017 - một sự kiện quan trọng của đất nước mà VNPT được giao là đơn vị cung cấp dịch vụ VT-CNTT chính, cơn bão số 12 đã đổ bộ và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh thành khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuyến cáp quang biển AAG cũng gặp sự cố ảnh hưởng tới kết nối Internet đi quốc tế. VNPT đã huy động toàn bộ nguồn lực để có thể vừa đảm bảo chất lượng phục vụ APEC, vừa đảm bảo thông tin liên lạc cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lụt.
Trước ngày chính thức diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng (từ 6/11- 11/11/2017), cơn bão số 12 đã đổ bộ vào các tỉnh khu vực khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đà Nẵng - nơi diễn ra sự kiện là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng. Bão số 12 đã gây mưa to, gió giật trên diện rộng song nhờ công tác chuẩn bị kỹ càng, toàn bộ hạ tầng cung cấp cho APEC đều được VNPT hạ ngầm nên gần như chất lượng đường truyền, dịch vụ phục vụ APEC không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ngay trong sáng ngày 7/11 - một ngày sau khi Tuần lễ cấp cao APEC 2017 chính thức diễn ra, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia American Gateway - AAG đã gặp sự cố dò nguồn, nguy cơ gây ảnh hưởng tới kết nối đi quốc tế phục vụ APEC.
Ngay lập tức, VNPT đã mở ứng cứu 2 đường 100GE từ Đà Nẵng đi Hà Nội, Tp.HCM để đảm bảo lưu thoát lưu lượng. Đồng thời định tuyến ưu tiên 20G Internet quốc tế cho Đà Nẵng trên hai tuyến cáp quang biển khác là APG và cáp IA, đấu nối 10G dự phòng cho Trung tâm Báo chí APEC.
Với dịch vụ di động, VNPT cũng thực hiện định tuyến ưu tiên đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho lượng lớn khách quốc tế đang lưu trú tại Đà Nẵng.
Nhờ vậy, trong suốt những ngày diễn ra sự kiện, các đường truyền phục vụ Trung tâm báo chí nói riêng và các khu vực diễn ra sự kiện nói chung vẫn hoạt động ổn định, chất lượng tốt. VNPT đã phối hợp với VTV truyền 6 phiên truyền hình từ xe Truyền hình Lưu động tại KS Furama, Live Standup với chất lượng đảm bảo.
VNPT cũng cho biết thêm, hiện đội ngũ kỹ thuật của VNPT vẫn tiếp tục thường xuyên theo dõi lưu lượng để có sự điều chỉnh kịp thời.
Liên quan đến sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển AAG sáng ngày 7/11, như Infonet đã thông tin, trao đổi với báo giới vào chiều qua, ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã khẳng định sự cố xảy ra với tuyến cáp quang ở vùng biển Vũng Tàu cách đây 2 ngày không hề ảnh hưởng đến đường truyền phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đang được tổ chức tại Đà Nẵng.
"Chúng tôi đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng quá tải đường truyền. Ngay bây giờ các bạn có thể vào mạng tại đây để thấy đường truyền đang hoạt động rất tốt. Còn sự cố đứt cáp ở vùng biển Vũng Tàu khoảng 30 hải lý cách đây 2 ngày không hề ảnh hưởng tới đường truyền tại đây" Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Sự cố xảy ra sáng ngày 7/11 vừa qua là lần thứ 5 trong năm nay cáp quang biển AAG bị lỗi, mất liên lạc trên tuyến. Bốn lần gặp sự cố trước đó của cáp biển AAG trong năm 2017 lần lượt vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8 và 12/10.
Trong lần gặp sự cố mới nhất (7/11), nguyên nhân đã được xác định là do dò nguồn (lỗi shun fault) giữa trạm cập bờ VTU và BU4, cách trạm cập bờ Vũng Tàu (VTU) khoảng 35,89 km. VNPT hiện vẫn đang phối hợp với đối tác quốc tế để có biện pháp xử lý, khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế này.