Trung tâm điều hành cáp quang biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương AAG (Asia America Gateway - AAG) vừa chính thức có thông tin tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet sử dụng tuyến cáp này.
Thông tin ban đầu từ Trung tâm điều hành tuyến cáp AAG cho hay, vào lúc 5 giờ 17 phút sáng ngày 23/4/2015, tuyến cáp quang biển AAG đã gặp sự cố. Nguyên nhân ban đầu được xác định do phân đoạn cáp SH1 từ TP.Hồ Chí Minh đi Hong Kong bị đứt, gây ảnh hưởng đến toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, NetNam…
Theo đó, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của các khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2015 tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị đứt. Trước đó, vào ngày 5/1/2015, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã gặp sự cố tại đoạn rẽ nhánh vào trạm cập bờ Vũng Tàu. Phải sau 3 tuần, vào trưa ngày 23/1/2015, công tác khắc phục sự cố đứt cáp quang biển AAG ngày 5/1 mới hoàn tất, khôi phục hoàn toàn kênh truyền.
Trao đổi với ICTnews, ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc VNPT-I đã cho biết, hiện VNPT đang khẩn trương triển khai tất cả các phương án để định tuyến lại liên lạc, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng của sự cố này tới thông tin liên lạc của khách hàng. Do đây không phải lần đầu tiên cáp quang biển AAG bị đứt nên VNPT-I đã sẵn sàng phương án ứng cứu, khắc phục, xác minh điểm đứt để có thể sữa chữa sự cố một cách nhanh nhất.
Còn theo đại diện FPT Telecom, nhà mạng này đã chuyển sang sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng.
Đối với NetNam, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, do tuyến cáp cáp quang biển quốc tế AAG thường xuyên bị đứt, các ISP trong đó có NetNam luôn sẵn sàng các phương án dự phòng nên chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng của NetNam hầu như không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đại diện NetNam cũng chia sẻ thêm, việc cáp quang biển đứt liên tục bị đứt cũng khiến doanh nghiệp bị mất thêm nhiều chi phí. Cụ thể, để tăng độ an toàn, đồng thời mở rộng các hướng kết nối quốc tế, từ đầu năm 2015, NetNam sẽ mở thêm 10% dung lượng qua hướng cáp quang biển Liên Á (IA), ngoài AAG và SMW3.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG được khánh thành, đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009, có chiều dài trên 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây. Tuyến cáp này kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là tại Vũng Tàu. Ngoài ra, tuyến cáp AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua các điểm cập bờ của hệ thống. Tại Việt Nam, các ISP đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế.
Theo thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, kể từ khi được chính thức đưa vào hoạt động tháng 11/2009 cho đến nay, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần bị đứt, gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cung cấp dịch vụ của các nhà mạng tới khách hàng.
Đơn cử, trong năm 2011, tuyến cáp quang biển AAG đã 4 lần xảy ra sự cố hoặc phải bảo dưỡng làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet của người sử dụng. Đến tháng 8/2012, tuyến cáp AAG lại bị đứt và hoạt động sửa chữa đợt đứt cáp lần này kéo dài gần 1 tháng. Tiếp đó, vào các ngày 13/8 va 20/12/2013, tuyến cáp quang biển AAG lần lượt bị đứt ở các vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 6,2 km và 278 km. Và trong năm 2014 vừa qua, tuyến cáp AAG cũng đã 2 lần bị đứt vào tháng 7 và tháng 9. Với lần lỗi cáp AAG trên phân đoạn Vũng Tàu - Hong Kong vào ngày 15/9/2014, đơn vị điều hành tuyến cáp đã mất 2 tuần để khắc phục, sửa chữa.
Trao đổi với ICTnews hồi cuối tháng 1/2015, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ TT&TT nhận định, Internet ở Việt Nam đã rất phát triển trong thời gian vừa qua, trở thành loại dịch vụ thiết yếu như điện, nước trong đời sống và các hoạt động văn hoá, kinh tế, xã hội. Việc tuyến cáp quang biển quốc tế AAG liên tục bị sự cố, với thời gian khắc phục kéo dài đã ảnh hưởng đến các hoạt động sử dụng mạng Internet ở Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ thì khoảng 30-40% lưu lượng Internet quốc tế của Việt Nam qua tuyến cáp này. Do đó, khi sự cố đứt cáp xảy ra, có thể hiểu là việc kết nối trao đổi trên Internet giữa quốc tế với Việt Nam và ngược lại bị mất khoảng 30-40%, tỷ lệ này có thể thấp hơn một chút do khi có sự cố các ISP đã tăng lưu lượng quốc tế qua các tuyến cáp khác, nhưng không thể ngay lập tức và cũng chỉ ứng cứu được một phần.
Về nguyên nhân đứt cáp quang trên thế giới, cũng theo VNNIC, thống kê của chuyên gia Palmer-Felgate (Trưởng dự án sửa chữa cáp biển của Công ty Verizon) cho thấy 70% là nguyên nhân do mỏ neo của các tàu biển, khoảng 10% là do ngư dân vô tình trong quá trình tác nghiệp làm va vướng gây đứt cáp, phần còn lại có thể do thảm hoạ tự nhiên, cá cắn … Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân chính xác là rất khó khăn, phức tạp.