Cấp phép và tiêu chí thi người đẹp: Cởi mở nhưng không nên ồ ạt - ảnh 1

Ông Phan Viết Lượng -Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

- Dư luận lo ngại khi dự thảo này không khống chế số lượng cuộc thi quốc gia mỗi năm như hiện nay. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trương phân cấp cho địa phương quyết định tối đa mỗi địa phương tổ chức một cuộc thi quốc gia trong năm. Thưa ông, nới tiêu chí như thế liệu có quá tay?

Về mặt lý thuyết, nới tiêu chí như thế thì khả năng 63 tỉnh, thành sẽ tổ chức thi 63 cuộc thi quốc gia. Nhưng tôi cho rằng thực tế không xảy ra như vậy, bởi lấy đâu ra nguồn lực và thí sinh. Tuy nhiên, lo lắng của dư luận về loạn cuộc thi, loạn danh hiệu là hoàn toàn đúng!

Lâu nay chúng ta giữ mức mỗi năm không quá hai cuộc thi quốc gia, như thế giữ được độ nóng, sức hấp dẫn với công chúng. Hai năm cũng là khoảng thời gian đủ để có một lứa thí sinh trưởng thành. Hoa hậu không giốngbóng đá để thi đi thi lại, chỉ trừ vài cô vì tiếc nuối chăng nên mới quay trở lại cuộc thi nhan sắc lần nữa. 

Vì thế, dù mỗi năm không đến nỗi 63 cuộc thi nhan sắc quốc gia, nhưng độ mươi cuộc cũng là quá rồi. Càng tổ chức nhiều càng bội thực, sức hấp dẫn kém đi và khó đảm bảo chất lượng. Tôi có quan điểm nên dung hòa giữa hai phương án: hạn chế số lượng như trước và cởi mở quá hiện nay. Nghĩa là ta nên mở có mức độ thôi, cần khống chế số lượng tối đa trong năm. 

- Có thể chưa đến mức 63 cuộc trong năm như ông phân tích, nhưng với quy định mới rất có thể có làn sóng ồ ạt các cuộc thi kém chất lượng?

Tôi nghĩ lo ngại đó có cơ sở. Tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo Nghị định cần xem xét tới yếu tố rất quan trọng- cần có đánh giá đánh giá tác động của quy định mới, lường trước khả năng có thể xảy ra: số cuộc thi trong năm khả thi là bao nhiêu, chất lượng thí sinh liệu có đảm bảo? Từ đó ta nên đưa ra các tiêu chí ràng buộc để không còn cơ chế xin - cho nữa nhưng các đơn vị tổ chức cũng cần đạt các tiêu chí nhất định để đủ năng lực tổ chức cuộc thi chất lượng. 

 Việc ràng buộc năng lực của các đơn vị tổ chức rất quan trọng. Trước, trong và sau khi tổ chức cần có quy định để kiểm tra, rà soát, cần thì dừng tổ chức nếu đơn vị đó vi phạm. Nghị định mới cần có chế tài mạnh để dừng tổ chức; tăng cường giám sát, thanh tra kiểm tra, thậm chí quy định tước danh hiệu và xử lý cao hơn đối với trường hợp vi phạm. Những quy định này chưa thật sự đủ và rõ ràng trong Nghị định cũ.

Cấp phép và tiêu chí thi người đẹp: Cởi mở nhưng không nên ồ ạt - ảnh 2

Các cuộc thi đã khẳng định vị thế quốc gia và có các hoạt động mỗi kỳ trên khắp các vùng miền đất nước như Hoa hậu Việt Nam sẽ do một tỉnh, thành cấp phép? Ảnh: Thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 cùng các cựu chiến binh và ĐVTN chăm sóc thắp nến, nhang trên 11.000 ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Việt - Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An Ảnh: Lê Việt.

- Thực tế cho thấy các cuộc thi lớn, có bề dày lịch sử và uy tín thường tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình giám sát kiểm tra, thế nhưng không ít cuộc khác lại lình xình về chất lượng, phát sinh vi phạm nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Điển hình như Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Vì thế mới có sự lo ngại phân cấp càng khiến chất lượng giám sát yếu đi. Quan điểm của ông ra sao? 

Trước đây thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ VHTTDL rất lớn trong quá trình tổ chức thi người đẹp quốc gia, trách nhiệm địa phương chừng mực hơn nên sự tham gia của địa phương không cao. Hầu như các yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự cơ bản tốt, nhưng địa phương chưa phát huy trách nhiệm ở các vấn đề khác. Phân cấp cho địa phương thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải lấy trách hiệm và danh dự để vào cuộc sâu sát hơn, phân công phối hợp chặt chẽ hơn. 

 Nói như thế không có nghĩa với Nghị định nghệ thuật biểu diễn mới, Bộ VHTTDL buông trách nhiệm của bộ chủ quản. Bộ VHTTDL được Chính phủ giao thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, vì thế Bộ càng phải phát huy vai trò thanh tra, giám sát, đưa ra tiêu chí phân loại tổ chức cuộc thi tốt hơn.

- Các cuộc thi người đẹp cấp quốc gia không chỉ diễn ra ở một địa phương, như thế liệu có phát sinh nhiều giấy phép con, thủ tục nhiêu khê cản trở các đơn vị tổ chức không thưa ông?

 Tôi nghĩ đây là điểm Nghị định lần này cần làm rõ. Thực tế các cuộc thi quốc gia thường có các vòng sơ khảo, chung khảo khu vực rồi mới tới vòng chung kết và không chỉ diễn ra ở một địa phương. Như vậy cơ quan soạn thảo phải đưa ra quy định rõ ràng, minh bạch về quy trình cấp phép, tránh tình trạng một cuộc thi phải xin phép nhiều lần gây khó dễ cho đơn vị tổ chức. 

Trong trường hợp phân cấp cho địa phương cấp phép và giám sát thi nhan sắc cấp quốc gia, Bộ VHTTDL cũng phải tính tới đầu mối cấp phép, nguyên tắc chịu trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp giữa các địa phương. Nhiệm vụ của Bộ là phải xử lý vừa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức, vừa làm rõ trách nhiệm của các địa phương.

Cảm ơn ông!

THI QUỐC TẾ: CẦN CHỌN LỌC

Dự thảo Nghị định quy định nghệ thuật biểu diễn lần này có thay đổi tiêu chí thi quốc tế. Quy định hiện nay: phải đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi trong nước; được một tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa nghệ thuật đại diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi. Còn theo dự thảo, sắp tới thí sinh thi nhan sắc quốc tế chỉ cần đủ năng lực hành vi dân sự, đáp ứng các tiêu chí do BTC cuộc thi quy định, không vi phạm pháp luật hoặc không trong thời gian thi hành án, thời gian chấp hành kỷ luật dưới mọi hình thức và có giấy mời của BTC cuộc thi là đủ.

Ông Phan Viết Lượng phân tích: “Dự thảo lần này đúng là giải quyết bức xúc trước đây của một số thí sinh “thi chui”, không đạt giải trong nước nhưng vẫn dự thi quốc tế. Thế nhưng mỗi công dân Việt Nam thi nhan sắc quốc tế đều được nhà nước và cộng đồng kỳ vọng họ là đại sứ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Muốn như thế thí sinh phải đẹp không chỉ về hình thức.

Tôi hiểu lo ngại của dư luận khi người dự thi không đạt tiêu chí vẫn xuất hiện trong các sân chơi nhan sắc quốc tế. Đã gọi là thi phải coi là đại diện rồi, phải có chọn lọc chứ! Chính vì thế tiêu chí mới có thể cởi mở hơn hiện nay, nhưng không nên mở hết theo lối dễ dãi quá. Bộ VHTTDL cần cân nhắc nới tiêu chí tới mức nào cho phù hợp. Trước đây là Top 3 thì nay có chăng ta chỉ nên nới đến Top 5, Top 10 các cuộc thi lớn trong nước. Với sự sàng lọc này chất lượng thí sinh đảm bảo hơn. Họ mang chuông đi đấm xứ người thì cũng cần hội đủ cả vẻ đẹp hình thể của người Việt đồng thời truyền tải được tinh thần văn hóa Việt Nam”.

Theo Tiền Phong

Thiếu nữ có gương mặt thánh thiện dự Hoa hậu Việt Nam 2020

Thiếu nữ có gương mặt thánh thiện dự Hoa hậu Việt Nam 2020

Phạm Thị Phương Quỳnh (sinh năm 2000) đến từ Đồng Nai đang là cái tên thu hút sự chú ý khi tham dự Hoa hậu Việt Nam 2020 bởi nhan sắc nhẹ nhàng, trong trẻo.