Mối quan hệ của nhà sáng lập với tầm nhìn xa trông rộng của Apple - Steve Jobs và "thầy phù thủy" Jony Ive không đơn giản chỉ là đồng nghiệp, cũng chưa dừng lại ở mức bạn bè. Theo lời những người thân trong gia đình, và cả Walter Isaacson - người viết nên cuốn tiểu sử về Jobs, hai người là tri kỷ của nhau.

Cặp đôi quyền lực huyền thoại của Apple - Steve Jobs và Jony Ive - đã đến với nhau như thế nào? - Ảnh 1.

Jobs chia sẻ với Isaacson:

"Nếu tôi có một người bạn tâm giao ở Apple, thì đó chính là Jony. Anh ấy và tôi thiết kế ý tưởng cho các sản phẩm mới cùng nhau, rồi hỏi nhau rằng, "Anh nghĩ gì về thứ này?" Rồi anh ấy hình dung ra tác phẩm ấy từ cả chi tiết nhỏ nhất. Jony hiểu rằng Apple là một công ty chuyên về sản phẩm. Anh ấy không chỉ là một nhà thiết kế. Và đó là lý do Jony Ive được làm việc trực tiếp với tôi. Anh ấy nắm trong tay nhiều quyền kiểm soát ở Apple hơn bất kỳ ai khác, ngoài tôi."

Suốt nhiều năm ròng, Jobs và Ive đã cùng nhau tạo ra hết những cú hit này đến cú hit khác, bao gồm iMac, iPod, iPhone và iPad. Tuy nhiên, khi Táo khuyết thông báo vào ngày 27/6 rằng, Ive sẽ rời xa công ty nghìn tỷ này để phát triển "đứa con tinh thần" của riêng mình, điều này đồng nghĩa với việc lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ, cả Jobs lẫn Ive sẽ không góp mặt ở Apple nữa.

Chưa rõ điều này sẽ có ý nghĩa gì với tương lai của Apple, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta hãy cùng nhìn lại mối quan hệ giữa cặp đôi huyền thoại này, và cùng đi tìm hiểu Jobs và Ive đã trở thành thế lực hùng mạnh của làng công nghệ như thế nào.

Những ngày đầu của Jony Ive và cuộc gặp gỡ định mệnh với Steve Jobs

 
 

Jony Ive sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chingford, nằm ở rìa phía Đông Bắc London. Khi còn đang học tại ngôi trường Newcastle Polytechnic, ông phát hiện ra mình có một mối liên hệ với Apple: "Đột nhiên, tôi chợt hiểu ra công ty này sẽ phát triển như thế nào, hoặc đáng lẽ họ phải phát triển như thế nào."

Sau khi tốt nghiệp đại học, Ive mở một công ty thiết kế ở London tên là Tangerine (Quả quít). Công ty này sau đó đã trúng thầu với Apple. Vào năm 1992, khi Ive mới 25 tuổi, ông đã được Apple mời về làm cho ban thiết kế của hãng này.

Chỉ 4 năm sau, Ive đã trở thành trưởng nhóm thiết kế của Apple. Nhưng ông không hài lòng với cấp trên của mình, bởi khi đó, Apple và Giám đốc điều hành chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận mà không quan tâm đến việc hoàn thiện thiết kế sản phẩm.

Ive nói với Isaacson về những năm tháng đầu ở Apple: "Tất cả những gì họ muốn ở đội thiết kế chúng tôi là làm được vỏ ngoài đẹp mắt một chút, sau đó các kỹ sư sẽ làm cho nó rẻ hết mức có thể. Suýt chút nữa là tôi đã bỏ việc."

 
 
 
 

Năm 1997, khi Ive đang chuẩn bị dứt áo ra đi thì Steve Jobs đã trở về với Apple. Ông nhanh chóng leo lên nắm quyền và thuyết phục ban giám đốc đuổi cổ CEO thời bấy giờ là Gil Amelio. Jobs trở thành CEO "tạm thời", và từng bước trở thành chính thức.

Jobs gặp Ive khi ông đang dạo quanh studio thiết kế của Apple. Ive vẫn nhớ như in câu nói đầu tiên Steve nói khi bước vào nơi anh làm việc: "Ôi trời, có vẻ như các anh đang làm việc không hiệu quả lắm phải không?" - câu nói này dù là chê trách, nhưng vẫn là lời khen ngợi đến đội ngũ thiết kế, bởi Apple đã không trọng dụng họ, và cũng không cung cấp cho họ công cụ họ cần.

Cả hai nhanh chóng kết thân. Ive và Jobs thường xuyên đi ăn trưa với nhau, và Jobs thường kết thúc ngày làm việc bằng cách ghé qua phòng thiết kế để nói chuyện với Ive.

Vợ của Jobs - Laurene Powell cũng chia sẻ rằng: "Jony có một vị trí đặc biệt trong lòng Steve. Anh ấy hay đến nhà tôi chơi và gia đình chúng tôi trở nên rất thân thiết. Hầu hết những con người trong cuộc đời Steve đều có thể thay thế. Nhưng không phải Jony."

Niềm đam mê chung về cái đẹp toàn diện

Cặp đôi quyền lực huyền thoại của Apple - Steve Jobs và Jony Ive - đã đến với nhau như thế nào? - Ảnh 4.

Jobs và Ive có cùng triết lý thiết kế: Bọn họ tin rằng đơn giản chính là đỉnh cao của sự tinh tế, và ít hơn là tốt hơn. Họ cũng tập trung vào sự tổng quát, họ không chỉ để tâm đến diện mạo của một sản phẩm, mà họ còn cần phải hiểu được cả quá trình thiết kế, để họ có thể loại bỏ được những thứ thừa thãi, không cần thiết.

Một câu chuyện khá thú vị về sự cầu toàn và về đam mê cái đẹp của hai người đàn ông tài ba này. Trong một lần đi du lịch đến Pháp, họ đi dạo qua một cửa hàng đồ gia dụng và cảm thấy bị thu hút bởi một con dao làm bếp sắc sảo. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, cả Jobs và Ive đều cảm thấy thất vọng vì họ phát hiện ra ... có keo ở giữa lưỡi dao và cái chuôi. "Cả Steve và tôi đều rất quan tâm đến những điều như vậy. Chúng tôi suy nghĩ rất giống nhau ở khoản các sản phẩm đều phải đẹp không tì vết."

Thành công lớn đầu tiên của Jobs và Ive là chiếc iMac - lần đầu được Apple giới thiệu vào tháng 5/1998. Ive muốn chiếc máy tính này trông thật hiện đại, nhưng cũng phải tinh nghịch. Vì vậy, chiếc iMac có vỏ nhựa trong suốt để có thể nhìn thấy linh kiện bên trong. Jobs thì khăng khăng muốn nó phải thật gọn gàng từ trong ra ngoài. Và đây là thành quả của họ:

 
 

Bộ đôi này cũng nhất trí rằng chiếc iMac phải có quai cầm, mặc dù nó không được gọn nhẹ và dễ mang vác đi cho lắm. Ive chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng, nếu có cái quai này, nó sẽ tạo ra được kết nối giữa chủ nhân và thiết bị. Nó dễ tiếp cận hơn, dễ dùng hơn. Nó cho phép bạn được ... chạm vào, được sử dụng nó. Nếu như ở Apple cũ thì tôi sẽ chẳng có cơ hội thực hiện điều này. Và đây chính là thứ tuyệt vời nhất ở Steve: Tôi còn chưa giải thích hết ý nghĩa của nó là gì, vậy mà anh ấy đã hiểu ý tôi nói và đồng tình ngay."

Jobs và Ive tiếp tục thử nghiệm máy tính với các vật liệu khác. Chiếc PowerBook G3 được làm từ nhựa, nhưng phiên bản kế nhiệm G4 lại có thiết kế titan sang trọng. Hai năm sau, dòng Powerbook đón chiếc laptop bằng nhôm đầu tiên.

Có một quãng thời gian, cả Jobs và Ive "chết mê chết mệt" với nhôm. Mà không chỉ là nhôm thông đường, mà là nhôm anodized. Công nghệ này cho phép họ thay đổi màu nhôm theo ý muốn. Khi Jobs được thông báo rằng Apple không thể tìm được số lượng nhôm anodized mà họ cần, ông cho xây một nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất kim loại này. Sau đó, Jobs đưa Ive đến đây để giám sát quá trình trong 3 tháng liền. Sau đó, họ dùng kim loại này để sản xuất cả iMac, iPod Nano và sau đó là iPhone.

Thành công nối tiếp thành công

Cặp đôi quyền lực huyền thoại của Apple - Steve Jobs và Jony Ive - đã đến với nhau như thế nào? - Ảnh 6.

Một buổi sáng, Jony Ive đang trên đường đi làm thì ông chợt nảy ra một ý tưởng về chiếc iPod: Nó phải là một màu trắng hoàn toàn, với mặt lưng bằng thép không gỉ. Ive muốn chiếc iPod, và toàn bộ phụ kiện đi kèm, từ tai nghe, dây sạc và cả củ sạc, đều phải đồng bộ với nhau. Và Steve cũng ngay lập tức chấp thuận điều này. Và thành công vang dội toàn thế giới của iPod đã chứng minh rằng gu thẩm mỹ của họ được cả thế giới công nhận.

Bộ đôi này còn rất tỉ mỉ, kỹ tính đến tận khâu đóng gói sản phẩm. Đó là lý do mà từ trước đến giờ, mỗi khi mở hộp một sản phẩm của Apple ta đều thấy được sự tinh tế toát ra. Chính vì sự "sang chảnh" này mà người dùng luôn bị thu hút bởi các thiết bị của Táo khuyết, và chúng luôn xứng danh "đắt mà xắt ra miếng".

 
 
 
 

Sau khi iPod đại thắng, Jobs và Ive đã cùng nhau tạo nên không ít siêu phẩm khác, và trong đó phải kể tới iPhone, MacBook Air, iPad, ... Dù vậy, họ cũng không bao giờ ngủ quên trong chiến thắng mà luôn tìm cách hoàn thiện "đứa con tinh thần" của mình. Trước khi chiếc iPad đầu tiên được lên kệ, Jobs đã lên sẵn ý tưởng cho iPad 2.

Jobs và Ive luôn đặt thiết kế lên hàng đầu, tuy nhiên đôi khi chính tư tưởng này đã phản tác dụng. Điển hình là lần họ sử dụng khung kim loại bao quanh chiếc iPhone 4, và dù các kỹ sư đã cảnh báo rằng điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng bắt sóng của máy nhưng cặp đôi vẫn nhất quyết không chịu thay đổi, và thế là AntennaGate xảy ra. Người dùng liên tục kiến nghị về việc iPhone mới toanh của họ bị mất sóng, và Steve Jobs đã có câu nói nổi tiếng mà đến giờ vẫn in vào tâm trí nhiều người: "Đấy là do người dùng cầm sai cách!"

Tuy nhiên, không mối quan hệ nào là hoàn hảo

 
 

Làm việc với Jobs – người nổi tiếng là rất nóng tính, không hề đơn giản. Đôi khi Ive phải nói rất nhẹ nhàng để đảm bảo ý tưởng của mình không bị vứt xó. "Bởi Steve đưa ra ý kiến rất nhanh, tôi không muốn cho anh ấy xem những ý tưởng mới trước mặt mọi người. Anh ấy có thể nói: "Thật vớ vẩn, dẹp đi." Ive thì nhận định ý tưởng là một thứ rất mỏng manh, vì vậy ông cảm thấy sự nhẹ nhàng là rất cần thiết trong khâu phát triển.

Chưa hết, không ít lần Ive không hài lòng với những lần góp ý của Jobs hay khi Jobs "cướp công" của Ive và đội ngũ thiết kế. "Tôi để ý rất kỹ về nguồn gốc của những ý tưởng, tôi thậm chí còn giữ nhiều cuốn sổ ghi chép lại những ý tưởng của mình. Vì vậy đôi lúc tôi hơi buồn vì anh ấy lại nhận công sức của tôi về phía mình. Nhưng phải công nhận rằng Apple sẽ chẳng được như này nếu không có Jobs."

Một trong những tác phẩm cuối cùng mà Jobs và Ive hợp sức làm nên chính là trụ sở mới Apple Park. Toà nhà 4 tầng, rộng gần 300.000 mét vuông có sức chứa cho hơn 12.000 nhân viên và bao quanh bởi hơn 6.000 tán cây. Công trình này cũng phản ánh được nhiều khía cạnh về mối quan hệ giữa Jobs và Ive. Một trong số đó là sự đam mê đến "ám ảnh" về kính: Apple Park có rất nhiều tấm kính cao nối dài từ sàn lên đến trần, và chúng toàn là kính cong để tạo nên vẻ liền mạch và thanh thoát.

Bộ đôi huyền thoại mất đi một nửa

Cặp đôi quyền lực huyền thoại của Apple - Steve Jobs và Jony Ive - đã đến với nhau như thế nào? - Ảnh 9.

Sau khi Jobs mất vào tháng 10/2011 do căn bệnh ung thư tuyến tụy, cặp bài trùng này đã không còn nguyên vẹn. Ive tiếp tục làm việc ở Apple, nhưng sự nhiệt huyết của ông đã giảm đi nhiều. Dù được lên chức "Giám đốc bộ phận Thiết kế" vào năm 2015, Ive không tham gia nhiều vào các hoạt động ở Apple nữa. Nguồn tin nội bộ cho biết ông chỉ đến trụ sở của công ty chỉ 2 tuần một lần mà thôi. Ông cũng bắt đầu rũ bỏ trách nhiệm của mình.

Suốt 4 năm qua, Ive dành nhiều thời gian đi du lịch và làm việc với các nhà thiết kế khác trong những dự án từ thiện. Ông thường xuyên bỏ lỡ những dịp ra mắt sản phẩm mới của Apple – điều mà cách đây vài năm không bao giờ xảy ra.

Cặp đôi quyền lực huyền thoại của Apple - Steve Jobs và Jony Ive - đã đến với nhau như thế nào? - Ảnh 10.

Vào ngày 27/6 vừa qua, Apple đưa ra thông báo rằng Ive sẽ rời Táo khuyết để thành lập công ty mới là LoveFrom. Ive phát biểu rằng, cái tên LoveFrome lấy cảm hứng từ Jobs, người từng nói rằng động lực thúc đẩy ông phát triển các thiết bị mới là từ tình yêu và sự quan tâm, kể cả khi ông có thể sẽ không bao giờ gặp mặt khách hàng của mình.

Có thể Jony Ive và Steve Jobs không còn làm ở Apple, nhưng ảnh hưởng của họ đối với công ty này sẽ còn mãi.