Hiện nay, nhiều công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không có nơi thường trú ở Việt Nam là một trong những đối tượng đang gặp khó khăn trong việc xin cấp thẻ căn cước công dân và số định danh.
Theo Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014: “Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân” và Khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân quy định: “Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”.
Tuy nhiên, các quy định khác tại Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân quy định công dân phải khai thông tin về nơi thường trú ở Việt Nam khi làm thủ tục xin cấp căn cước công dân và số định danh cá nhân. Cụ thể:
Điều 9 Luật Căn cước công dân quy định thông tin về nơi thường trú là một trong những thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Căn cước công dân quy định công dân có nghĩa vụ cung cấp thông tin để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;
Điểm a Khoản 1 Điều 18 Luật Căn cước công dân quy định nơi thường trú là một trong những thông tin ghi trên thẻ căn cước công dân;
Điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Căn cước công dân quy định nếu công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định (bao gồm thông tin về nơi thường trú).
Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân quy định: “Công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ căn cước công dân”.
Như vậy, các quy định này chưa tính đến đặc thù của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là đa số không có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam, dẫn đến nhiều công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài gặp khó khăn hoặc không đủ điều kiện được cấp căn cước công dân khi làm thủ tục tại các địa phương.
Nhiều công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mặc dù không có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam nhưng vẫn có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, do họ thường xuyên về thăm quê hương, lao động, đầu tư, kinh doanh…
Trong số công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài chưa được cấp căn cước công dân còn có số trẻ em dưới 14 tuổi, đăng ký khai sinh tại các cơ quan hộ tịch tại Việt Nam, đã được cấp số định danh cá nhân và sau đó theo bố mẹ ra nước ngoài sinh sống cũng như số trẻ em Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới đăng ký khai sinh tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và được cấp số định danh cá nhân theo quy định. Số trẻ em này khi đủ 14 tuổi sẽ có thể có nguyện vọng được cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014.
Trong các đợt khảo sát ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về tình hình thi hành chính sách, pháp luật liên quan, cũng như trong tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cấp, nhiều công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bày tỏ nguyện vọng được cấp căn cước công dân để thuận tiện trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, dịch vụ công tại Việt Nam.
Hiện công dân Việt Nam vẫn dùng hộ chiếu để thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch dân sự. Tuy nhiên, thời gian tới, thẻ căn cước công dân sẽ tích hợp nhiều thông tin bao gồm tình trạng hôn nhân, bảo hiểm y tế, bằng lái xe, bảo hiểm xã hội, thẻ ngân hàng… Đặc biệt, thông tin về tình trạng hôn nhân được yêu cầu trong nhiều giao dịch dân sự như nhà đất, thừa kế, thế chấp ngân hàng, giao dịch chứng khoán… Nếu không có chủ trương (quy định trong Luật Căn cước công dân) thì công dân Việt Nam ở ngoài nước có hộ khẩu cũng có thể không được cấp căn cước công dân.
Tại phiên họp thường kỳ thứ 21 (3/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Trước vấn đề này, Bộ Ngoại giao đã có ý kiến: Đề nghị có quy định rõ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được cấp căn cước công dân để tránh cách hiểu khác nhau và tạo thuận lợi khi quy định chi tiết. Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (thẩm quyền, thủ tục, nội dung ghi trên thẻ căn cước công dân khi không có nơi thường trú ở Việt Nam). Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
Là cơ quan chủ trì, Bộ Công an đã có ý kiến tiếp thu, giải trình: “Tại Khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật đã quy định rõ: “Người được cấp thẻ căn cước công dân là công dân Việt Nam”. Qua đó có thể thấy, không phân biệt là công dân Việt Nam đang cư trú trong nước hay ở nước ngoài đều có quyền được cấp thẻ căn cước công dân. Khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật Căn cước công dân đã giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp người không có hoặc không thu nhận đầy đủ thông tin cần thể hiện trên thẻ (theo đó, đối với công dân Việt Nam không cư trú trong nước – không có nơi thường trú, nơi tạm trú trong nước thì sẽ vẫn được cấp thẻ căn cước công dân).
Như vậy, mặc dù dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi trình Quốc hội không bổ sung công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào đối tượng được cấp căn cước công dân, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân sửa đổi, Bộ Công an sẽ hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ “điểm nghẽn” này tại các văn bản dưới Luật. Đây là một điểm sáng trong công tác đảm bảo quyền cho người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với bà con kiều bào.