Thông tin cập nhật về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên 2 tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) và Asia America Gateway (AAG) vừa được đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam chia sẻ với VietNamNet.
Được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016, APG được đánh giá là tuyến cáp biển góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tuyến cáp APG tiếp tục gặp sự cố vào giữa tháng 9/2022 trên nhánh S9 hướng kết nối đến Singapore. Trong lần thứ ba gặp sự cố trong năm nay, nguyên nhân được đơn vị quản lý tuyến cáp xác định là do lỗi “shunt fault” (dò nguồn - PV) và đứt sợi tại ví trị cách trạm cập bờ SEA khoảng 145 km. Và ngày 14/11 vừa qua, sự cố này đã được sửa xong.
Với AAG, lần lượt vào trung tuần tháng 2 và cuối tháng 6/2022, tuyến cáp AAG liên tiếp gặp sự cố trên các hướng kết nối đi Singapore và HongKong (Trung Quốc). Trong đó, với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei). Với hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I.
Trong thông tin mới cập nhật, vị đại diện ISP cho biết, lỗi trên nhánh S1H hướng Hong Kong (Trung Quốc) đã được sửa xong từ tháng 9. Theo kế hoạch, dự kiến sự cố trên nhánh S1I sẽ được sửa từ ngày 22/11 đến ngày 29/11.
Với hướng kết nối đến Singapore của AAG, hiện chưa có lịch sửa với các lỗi trên nhánh S1B và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei). Riêng với lỗi trên nhánh S1D tại vị trí cách trạm cập bờ Sri Racha (Thái Lan) gần 28.000 km, thời gian sửa chữa dự kiến là từ ngày 5/12 đến 13/12.
Là tuyến cáp biển được đưa vào vận hành từ hơn 12 năm trước, AAG kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Từ khi được đưa vào khai thác đến nay, AAG đã nhiều lần gặp sự cố. Dẫu vậy, theo các chuyên gia, hiện lưu lượng AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn.
Nhằm bảo đảm kết nối Internet đi quốc tế, các nhà mạng trong nước đã đầu tư 7 tuyến cáp quang biển. Tuy nhiên, chỉ có 5 tuyến đang hoạt động gồm AAG, SMW3, IA, APG và AAE-1, 2 tuyến SJC2 và ADC dự kiến được đưa vào vận hành, khai thác trong giai đoạn sắp tới.
Trong chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường Kết nối và Phát triển bền vững các hệ thống cáp quang biển tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” hồi cuối tháng 10, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã nhấn mạnh, hệ thống truyền dẫn quốc tế nói chung, cáp quang biển nói riêng là một bộ phận trọng yếu của cơ sở hạ tầng viễn thông.
Cũng theo Cục Viễn thông, cơ quan này đang chủ trì xây dựng “Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” và tham gia xây dựng“Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Dự thảo Chiến lược và Quy hoạch có đề xuất các mục tiêu, chính sách để thúc đẩy phát triển các hệ thống cáp quang biển tại Việt Nam, dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm một số tuyến cáp quang biển quốc tế.