Đảng và Nhà nước ta coi ngôn ngữ các dân tộc, là một trong các thành tố làm nên bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết các dân tộc là góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS ở nước ta.

Theo thống kê, hiện có 27/53 DTTS có bộ chữ viết riêng. Tuy nhiên, kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 cho thấy, hiện có 88,7% người DTTS từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc. Tuy vậy, sau 4 năm, từ 2015 - 2019, tỷ lệ này đã giảm 7,3%, bình quân mỗi năm giảm 1,8%.

Theo nhóm tuổi, người DTTS biết nói tiếng dân tộc cũng giảm dần. Ở nhóm 65 tuổi trở lên có 92,8% nói được tiếng dân tộc; ở nhóm dưới 18 tuổi, tỷ lệ này chỉ còn 58,6%. Trong 53 DTTS, dân tộc Ngái có tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng DTTS thấp nhất 30,5%.

Ảnh minh họa

Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc khá thấp, chỉ là 15,9%, so với năm 2015, tỷ lệ này đã giảm 0,9%, bình quân mỗi năm giảm 0,2%.

Trước hiện tượng mai một đó, nhằm góp phần bảo tồn tích cực, một số tiếng nói của các dân tộc có số dân đông như Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, Mông, Thái, Xơ Đăng, Tày, Nùng... đang được sử dụng trên các kênh của đài tiếng nói, đài truyền hình Trung ương và địa phương. Một số ngôn ngữ DTTS đã được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới; để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa...

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách dạy và học ngôn ngữ DTTS cũng đã được triển khai nghiêm túc tại các trường phổ thông và bổ túc văn hóa vùng đồng bào DTTS trong cả nước. Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình dạy song ngữ bằng 6 thứ tiếng dân tộc (gồm: Mông, Ba Na, Gia Rai, Chăm, Khmer, Ê Đê) cho các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú vùng đồng bào DTTS. Có 21 tỉnh, thành đang tổ chức dạy học ngôn ngữ DTTS trong nhà trường. Hàng năm, có khoảng hơn 600 trường học, với 4.500 lớp học và 110 nghìn học sinh được học tiếng DTTS. Số học sinh được học tiếng DTTS chiếm khoảng 3,9% tổng số học sinh DTTS ở cấp học phổ thông.

Bên cạnh đó, có 7 tiếng DTTS đang triển khai dạy thực nghiệm trong trường phổ thông là: Hoa, Chăm, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Bru-Vân Kiều. Quy mô thực hiện 7 tiếng DTTS này ở hàng trăm trường, với hàng chục nghìn học sinh được học tiếng DTTS.

Từ năm 2004 tỉnh Sơn La đã nghiên cứu biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy văn học địa phương và chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang công tác ở vùng DTTS. Tỉnh phấn đấu mỗi năm mở 5 lớp tiếng Thái, Mông cho 200 cán bộ, công chức, 4 lớp cho 200 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công tác tại các xã đặc biệt khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cũng tổ chức Hội thảo chuyên đề đào tạo giáo viên tiếng DTTS đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của đại diện 6 trường đại học, 14 Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo đánh giá sơ bộ, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, hiện tại, giáo viên dạy tiếng DTTS vẫn thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng. Thống kê cho thấy, đến năm học 2020-2021, cả nước có 1.026 giáo viên tiếng DTTS, chiếm 0,2% tổng số giáo viên các cấp học phổ thông. Giáo viên dạy tiếng DTTS có ở cả ba cấp học thuộc bậc học phổ thông, trong đó, cấp Tiểu học chiếm gần 90% số giáo viên tiếng DTTS trong cả nước. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS nhìn chung trình độ còn thấp. Hiện nay, chỉ có giáo viên tiếng Khmer được đánh giá là cơ bản đạt trình độ chuẩn đào tạo về chuyên môn tiếng dân tộc theo quy định. Giáo viên tiếng DTTS còn lại đều chưa có giáo viên đạt chuẩn đào tạo về tiếng DTTS.

Để đảm bảo chất lượng dạy học tiếng DTTS theo chương trình giáo dục phổ thông mới, một số Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cần phải có cơ sở đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng DTTS đạt chuẩn. Ngoài ra, cần phải có quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để giảng dạy tiếng DTTS.

Và cũng cần có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cả người học và người dạy tiếng DTTS. Hình thành các khoa hoặc bộ môn tiếng DTTS ở các trường cao đẳng, đại học để có thể đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các cấp. Nghiên cứu, xây dựng chữ viết cho các dân tộc chưa có chữ viết nhưng đang có nhu cầu và có điều kiện để hình thành chữ viết của dân tộc đó...

Nếu không triển khai bài bản, cấp tập... e rằng trong xu thế hội nhập hiện nay nhiều tiếng nói và chữ viết  DTTS sẽ bấp bênh, sớm thất truyền, như chữ viết của người Chơ Ro chẳng hạn. 

Thanh Bình, Thu Hà, Bích Hạnh