Dù cách nhau 3 tuổi nhưng Nguyễn Quang Minh (16 tuổi) và Nguyễn Linh Chi (13 tuổi) đã có hơn 5 năm đồng hành cùng nhau ở các giải trượt băng quốc gia, quốc tế.
Hai anh em cũng giành được hàng loạt thành tích “khủng” như 3 lần đoạt huy chương Vàng tại Giải vô địch trượt băng nghệ thuật Việt Nam; 2 lần giành huy chương Vàng tại Giải trượt băng nghệ thuật châu Á.
Quang Minh biết tới trượt băng khi đang học lớp 5; còn Chi khi ấy mới chỉ học lớp 2. Trong một lần đi qua trung tâm thương mại, vì tò mò, hai anh em đã xin mẹ vào sân băng để chơi thử.
“Em vẫn nhớ cảm giác mát lạnh khi đứng trên sân băng. Sự tò mò: “Tại sao mọi người lại có thể đứng vững và lướt đi nhẹ nhàng như thế” khiến em muốn được trải nghiệm. May mắn, bố mẹ rất ủng hộ nên cho chúng em tới đây để rèn luyện”, Minh kể.
Sau một thời gian, các huấn luyện viên nhận thấy năng khiếu của cả Minh và Chi nên động viên gia đình cho hai anh em luyện tập bộ môn này một cách chuyên nghiệp.
Nguyễn Quang Minh (16 tuổi) và Nguyễn Linh Chi (13 tuổi) là anh em ruột. Ảnh: NVCC
“Quãng thời gian đầu tiên, chúng em bắt đầu với những động tác đơn giản nhất như phải đi vững, sau đó là đi tiến, đi lùi. Khi đã có thể di chuyển trên sân băng, chúng em phải tập giữ thăng bằng bằng cách trượt trên một chân hay tập xoay vòng”.
Mất một vài tháng cho giai đoạn này, khi đã thành thạo, hai anh em bắt đầu chuyển sang các bài biểu diễn đơn và đôi với những động tác khó hơn.
“Khi luyện tập bộ môn này, em bắt đầu thích thú và mong có thể thử sức ở các giải đấu lớn”, Minh nói.
Nhưng trong suốt năm đầu tiên, hai anh em không giành được bất cứ giải thưởng nào.
“Học trượt băng nghệ thuật rất vất vả và còn phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Em từng khá ghen tị khi thấy nhiều bạn tập sau mình nhưng lại đạt được thành tích tốt hơn. Còn Chi cũng từng khóc rất nhiều vì trong suốt 1 năm luyện tập không đạt được thành tích nổi bật nào cả”, Minh nhớ lại.
Vì muốn tạo cơ hội cho các con, bố mẹ Minh – Chi đã thuê huấn luyện viên nước ngoài để kèm thêm cho con. Thậm chí, mỗi năm, hai anh em còn có nhiều đợt sang Úc để tập luyện.
“Chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát không thể sang Úc, chúng em mới học online tại nhà. Một điều may mắn là chúng em luôn có bố mẹ luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất.
Ví dụ, khi học online với huấn luyện viên, bố cầm điện thoại hàng giờ để quay em thực hiện các động tác rồi gửi cho huấn luyện viên.
Hay đội tuyển của quốc gia nào mạnh, chiến thuật của họ ra sao, bố còn “nằm lòng” hơn cả chúng em, mặc dù bố không có chuyên môn về lĩnh vực này”.
"Dù đau đớn nhưng không dám tạm dừng"
Nếu không phải chuẩn bị cho giải đấu, cả hai thường dành khoảng 5-6 buổi/ tuần để tập luyện cùng huấn luyện viên. Mỗi buổi tập sẽ kéo dài 1-2 tiếng.
Ngoài ra, cả hai phải tập cả múa ba lê, múa đương đại để bổ trợ tốt hơn cho các phần biểu diễn.
“Việc tập luyện chiếm rất nhiều thời gian, trong khi chúng em vẫn phải giữ ổn định việc học trên lớp. Có những hôm chúng em vừa tan trường xong lại tranh thủ ra sân bay để ra nước ngoài thi đấu” - Linh Chi kể.
10X thường tranh thủ và tận dụng mọi thời gian rảnh cho việc học, như làm bài tập trong giờ ra chơi hay làm ngay tại sân bay, khi đang chuẩn bị lên đường thi đấu.
Mặt khác, trong quá trình tập luyện khó tránh khỏi việc bị chấn thương. Ban đầu là gặp chấn thương khi phải tập giữ thăng bằng. Càng về sau, động tác càng khó hơn nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Quang Minh đã không ít lần gặp chấn thương nặng liên quan đến lưng và cổ chân.
“Dù đau đớn nhưng em không dám tạm dừng vì sợ sự cách quãng sẽ làm ảnh hưởng đến cảm giác chân. Trong suốt 5 năm, lần duy nhất em nghỉ dài là khi cùng gia đình đi du lịch. Lần đó trở lại sân băng, em thấy cảm giác chân rất lạ. Vì thế, để tiến bộ trong trượt băng, điều quan trọng nhất là duy trì tập luyện đều đặn”.
Do đó, trong thời điểm sân băng phải đóng cửa vì dịch Covid-19, Quang Minh và Linh Chi vẫn rèn thể lực và tự “tập chay” bên ngoài.
Nói tiếng Anh 'siêu', thạo nhiều môn nghệ thuật
Không chỉ có thành tích ở bộ môn trượt băng, hai anh em còn đạt những kết quả “đáng nể” trong việc học tập tại trường.
Vừa qua, Linh Chi trở thành thủ khoa trung bình môn toàn khối của trường Marie Curie với số điểm 9.7/10; còn Quang Minh từng đạt 895/900 TOEFL Junior khi còn đang học cấp 2. Cả hai anh em đều nói tiếng Anh “cực siêu”.
Không những vậy, hai anh em còn có thể chơi piano, vẽ, nhảy hiphop, múa đương đại, thể dục nghệ thuật, thể dục dụng cụ, múa ba lê, trượt băng, chơi đàn tranh, võ thuật,…
Cả Chi và Minh đều từng giành nhiều giải thưởng về nhảy, múa và có tranh triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Thông tấn quốc gia, Bảo tàng tỉnh Phú Yên.
Suốt 1 năm qua, Quang Minh cùng với bạn bè đã đi tới các ngôi trường dạy trẻ tự kỷ hay trung tâm bảo trợ trẻ em tại Hà Nội để dạy các em học nhảy, học vẽ,…
“Em mong muốn những bạn có khả năng, năng khiếu cũng sẽ có cơ hội để tìm ra sở trường và phát huy thế mạnh của mình”, Minh nói.
Những huy chương mà Minh và Chi đã đạt được
Lý giải cho việc đầu tư này, chị Diệu Linh, mẹ của Minh và Chi cho rằng điều anh chị mong muốn là các con sẽ được phát triển đồng đều, cuộc sống sẽ thêm nhiều màu sắc, phong phú và thú vị hơn.
“Các con tham gia những bộ môn này hoàn toàn bằng sự say mê và hứng thú. Tôi không muốn con bị áp lực bởi các giải thưởng hay đặt nặng việc phải kiếm ra tiền từ những bộ môn này”, chị Linh nói.
Dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng cả Minh và Chi đều dự định sẽ “chia tay” bộ môn trượt băng khi đủ 18 tuổi.
Minh dự định sẽ tìm học bổng để sang Mỹ học Kinh tế; còn Chi muốn trở thành kiến trúc sư.
“Chúng em coi trượt băng như một cách để tự vượt lên chính mình và có thể tìm đến để thấy sự thoải mái, thư giãn nhất”, Quang Minh nói.
Thúy Nga
Phụ huynh Hà Nội 'mạnh tay' cho con trải nghiệm môn thể thao quý tộc
Học cưỡi ngựa đang trở thành hoạt động ngoại khóa thu hút nhiều em nhỏ ở tham gia. Môn học không chỉ góp phần rèn luyện thể lực còn giúp các em vượt qua sợ hãi có thêm sự tự tin để chinh phục những chú ngựa to lớn.