Trong thông báo mới nhất về công tác khắc phục sự cố của tuyến cáp quang biển quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Asia America Gateway - AAG), ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT cho biết: “VNPT đã nỗ lực triển khai các phương án định tuyến, kết nối với các đối tác quốc tế để khách hàng dùng Internet không bi ảnh hưởng bởi sự cố cáp quang biển”.
Theo đại diện VNPT, trong hôm nay, ngày 24/4/2015, VNPT sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế mở thêm 100 Gbps Backbone ứng cứu trên hệ thống ALU mới đầu tư để lưu thoát lưu lượng, đảm bảo chất lượng ổn định cho người sử dụng Internet.
Trước đó, ngày 23/4/2015, ngay sau khi xảy ra sự cố với tuyến cáp AAG, với kinh nghiệm ứng phó nhiều tình huống cáp quang biển, VNPT đã triển khai phương án xử lý kịp thời bằng cách san tải, định tuyến lưu lượng khôi phục qua hướng ưu tiên.
Cụ thể, VNPT đã khẩn trương mở khẩn cấp 20 Gbps từ Việt Nam đi Hong Kong trên tuyến cáp đất liền qua Trung Quốc, đồng thời làm việc với đối tác Google để ứng cứu thông tin cho các kênh Internet Peering và đáp ứng kế hoạch mở kênh Internet quốc tế ngay sau khi có sự cố xảy ra.
VNPT cũng cho biết thêm, đây là sự cố bất khả kháng, cần phải có thời gia điều tàu cáp chuyên dùng của quốc tế vào lãnh hải Việt Nam để tiến hành sửa chữa. VNPT đã tích cực làm việc với nhà quản trị hệ thống cáp AAG, Công ty tàu cáp quốc tế và với các thành viên của các hệ thống khác để ưu tiên cho việc sửa chữa tuyến cáp AAG trong thời gian sớm nhất.
Dự kiến công việc khắc phục sự cố của tuyến cáp quang biển AAG sẽ được hoàn thành vào đầu tháng 5/2015.
Sáng qua, ngày 23/4/2015, lần thứ hai trong năm nay tuyến cáp quang biển quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Asia America Gateway - AAG) lại gặp sự cố. Sự cố rò nguồn trên hệ thống cáp AAG được xác định xảy ra tại phân đoạn SH1 từ Vũng Tàu (Việt Nam) đi Hong Kong, Singapore, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng hơn 300 km.
Sự cố này ảnh hưởng đến toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp AAG. Theo đó, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của các khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Nhưng các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.