Như ICTnews đã thông tin, theo kế hoạch của đối tác quốc tế, từ 0h ngày 6/1 đến 22h ngày 7/1/2018, hệ thống cáp quang biển quốc tế APG sẽ tiến hành di chuyển cáp tại Singapore phục vụ việc mở rộng sân bay Changi của Chính phủ Singapore. Còn với cáp AAG, từ ngày 6 - 9/1/2018, đối tác quốc tế sẽ tiến hành cấu hình lại nguồn tuyến cáp quang biển quốc tế này.
Liên quan đến việc 2 tuyến cáp quang biển quốc tế AAG và APG cùng tạm ngừng hoạt động vào dịp cuối tuần này, ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Bình, CEO NetNam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) về ảnh hưởng của các ISP và người dùng Internet tại Việt Nam:
Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của lần tạm ngừng hoạt động theo kế hoạch lần này của AAG và APG đối với ISP và người dùng Internet tại Việt Nam?
Chúng ta thấy rằng các ISP Việt Nam đã quen ứng phó với việc một hoặc hai tuyến cáp biển cùng dừng hoạt động trong một thời gian nhiều tuần. Do đó, việc tạm dừng có kế hoạch hai tuyến cáp AAG và APG cuối tuần này, có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam nói chung.
Còn đối với mỗi ISP thì có sự ảnh hưởng khác nhau. Theo thông tin chúng tôi có được, ít nhất hai trong số các ISP lớn sẽ có sự ảnh hưởng nhất định, vì dung lượng qua AAG vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu quốc tế của họ.
Về chất lượng dịch vụ, thông thường để ứng cứu đủ dung lượng ban đầu, các ISP cần vài ngày để thực hiện. Do đó, rất có thể một số nhóm khách hàng ít ưu tiên hơn sẽ bị ảnh hưởng về chất lượng dịch vụ. Tùy theo chính sách của từng ISP mà nhóm nào được coi là ưu tiên. Các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp và 3G/4G thường được coi là các nhóm ưu tiên hơn.
Trong chia sẻ với báo chí vào sáng nay, các nhà mạng cho biết, việc AAG và APG cùng gián đoạn hoạt động sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kết nối Internet quốc tế của khách hàng. Từ kinh nghiệm của mình, ông bình luận gì về việc này?
Tôi cũng cho rằng có ảnh hưởng, tuy nhiên có lẽ ảnh hưởng sẽ không nhiều vì chỉ trong dịp cuối tuần và đã có kế hoạch trước. Tuy nhiên, với nhóm khách hàng 3G/4G, có thể cảm nhận sẽ thấy không nhanh bằng trước đây, khi đồng thời các nhà mạng di động đồng loạt dừng các gói cước đặc thù truy cập tới các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube.
Với riêng NetNam, xin ông cho biết mức độ ảnh hưởng và phương án mà NetNam sẽ triển khai để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng trong thời gian từ 6 - 9/1 tới?
Hiện nay, dung lượng quốc tế của NetNam chủ yếu sử dụng qua tuyến cáp biển Liên Á (IA) và tuyến cáp đất liền, còn dung lượng qua các tuyến cáp quang biển quốc tế APG và AAG chỉ sử dụng cho chức năng ứng cứu. Do đó, việc tạm ngừng hoạt động của AAG và APG vào cuối tuần này không ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng của NetNam. Hơn nữa, thời điểm tạm dừng hoạt động của hai tuyến cáp trên là cuối tuần, cũng là giai đoạn thấp điểm dịch vụ, nên nhìn chung không có ảnh hưởng tới khách hàng của NetNam.
Về phương án, thực chất dung lượng thực tế sử dụng của NetNam mới chiếm khoảng 60% dung lượng khả dụng. Vì vậy với sự tạm dừng hoạt động của hai tuyến cáp nói trên, NetNam không phải triển khai biện pháp ứng cứu và chuẩn bị gì.
Tất nhiên là với NetNam cũng có các ảnh hưởng gián tiếp đối với một nhóm khách hàng có hai đường kết nối. Khi đường kết nối với một ISP khác có vấn đề, thì khách hàng sẽ đẩy lưu lượng qua NetNam nhiều hơn, khi đó sẽ làm tăng lưu lượng chung của NetNam. Tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, tổng dung lượng khả dụng của NetNam vẫn đảm bảo được.
Trong tình huống 2 tuyến AAG và APG cùng tạm ngừng hoạt động, mấy ngày tới kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ phải dựa vào những hướng cáp nào, thưa ông?
Theo tôi, chủ yếu các ISP tại Việt Nam sẽ phải dồn lưu lượng qua hướng đất liền. Hướng cáp biển IA và SMW3 cũng có nhưng độ khả dụng không còn nhiều. Thêm nữa, các ISP đều có độ dư nhất định. Cùng với thông tin các ISP cùng cấp, chúng tôi cho rằng cuối tuần này chất lượng dịch vụ Internet ảnh hưởng không lớn.
Facebook, Google hiện được dùng khá phổ biến tại Việt Nam. Vậy Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng dịp cuối tuần, theo ông người dùng Việt Nam có gặp khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ này không?
Các mạng nội dung lớn như Facebook, Google đều có hệ thống Caching tại Việt Nam, và các ISP Việt Nam có kết nối trực tiếp tới họ để trao đổi lưu lượng. Nếu dung lượng quốc tế bị ảnh hưởng, thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng truy cập vào các mạng nội dung lớn này. Tuy nhiên, theo thông tin mà các ISP cung cấp, thì chúng tôi cho rằng chất lượng dịch vụ Internet ảnh hưởng không nhiều và không ở diện rộng.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới đang khá lo lắng cho hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp mình mấy ngày tới. Ở góc độ VIA, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp này?
Trong một năm gần đây các hệ thống cáp biển gặp rất nhiều sự cố. Đương nhiên khi có sự cố thì chất lượng dịch vụ không thể đảm bảo như thông thường được. Sự ảnh hưởng đến từng nhóm khách hàng là khác nhau. Với các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, ngoài yếu tố băng thông, hoạt động của họ còn liên quan đến chất lượng dịch vụ toàn trình.
Khi có sự cố các tuyến cáp, thông thường các ISP phải định tuyến lại hướng đi của mình, và dù ít dù nhiều, thì cũng ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của các giao dịch trực tuyến. Lời khuyên của chúng tôi là với các ứng dụng, giao dịch quan trọng, doanh nghiệp nên có tối thiểu 2 kết nối với hai nhóm ISP khác nhau.
Xin cảm ơn ông!