Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất rau quả. Nhiều mặt hàng có vùng sản xuất nguyên liệu lớn, sản lượng lên đến hàng triệu tấn mỗi năm. Đơn cử, sầu riêng 1,45 triệu tấn, thanh long 1,35 triệu tấn, xoài 1,1 triệu tấn, chuối 2,7 triệu ấn, cam 1,67 triệu tấn, bưởi 1,2 triệu tấn, dứa 850.000 tấn…

Với nguồn cung lớn, việc khơi thông thị trường tiêu thụ nội địa và quốc tế ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm dần tăng cao và khắt khe.

Thế nên, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho mặt hàng rau quả được coi là “visa thông minh”. Bởi, thông qua những tấm visa này, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm từ cơ sở trồng cho đến cơ sở đóng gói và nơi tiêu thụ. 

Đáng chú ý, các mã số vùng trồng này được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tích hợp trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành trồng trọt. Ở hệ thống cho phép thiết lập mã số vùng trồng cho các cơ sở sản xuất trên phạm vi cả nước, ghi chép nhật ký điện tử.

W-buoi dien.png
Đến nay đã có 8.052 mã số vùng trồng rau quả được cấp để phục vụ xuất khẩu. 

Từ cơ sở dữ liệu này có thể xây dựng chính sách, chỉ đạo sản xuất, điều tiết, kết nối cung cầu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dự tính, dự báo, theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản... Đồng thời, ngành trồng trọt có thể ổn định sản lượng, kiểm soát chất lượng, tăng tính cạnh tranh, dự báo thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Theo Bộ NN-PTNT, đến hết tháng 12/2024 đã cấp được 8.052 mã số vùng trồng và 1.596 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi như thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... Đây là các mã số được phép xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… Trong đó, năm 2024 cấp mới 1.194 mã số vùng trồng và 75 mã số cơ sở đóng gói.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… đang đứng thứ 2 về xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới.

Thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng mạnh ở các thị trường. Chẳng hạn, từ vị trí thứ 3, rau quả Việt đã vươn lên vị trí thứ 2 ở Trung Quốc; ở Mỹ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.

Cùng với mở cửa thị trường xuất khẩu, theo lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc cấp mã số vùng trồng có đóng góp quan trọng giúp ngành rau quả xuất khẩu thu về 7,2 tỷ USD, lập kỷ lục lịch sử.

Đặc biệt, trong năm 2024, gần như không còn tình trạng rau quả phải “giải cứu” hay bế tắc đầu ra. Các mặt hàng luôn duy trì mức giá ổn định, thậm chí tăng cao giúp người nông dân thu được lợi nhuận khá.

Năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Ngoài ra, ngành rau quả Việt cũng phải thích ứng với những biến động thị trường, biến đổi xu hướng sản xuất “xanh”, tiêu dùng “xanh” tại các thị trường xuất khẩu. 

Từ thực tế trên, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T chỉ rõ, việc mỗi thị trường nhập khẩu đều dựng lên một hàng rào kỹ thuật rất khác nhau và rất khó khăn. Đơn cử, ở Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng, sẽ yêu cầu mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. 

Hay như với thị trường Trung Quốc, theo ông Tùng, họ cũng có những hàng rào kỹ thuật, ngoài mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do phía Trung Quốc cấp. Do đó, muốn rau quả tăng trưởng bền vững và hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, cấp mã số vùng trồng trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo sản phẩm rau quả có thể tiếp cận được các thị trường.