- 9 tỷ USD sẽ được đầu tư cho tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM- Cần Thơ để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế về vận tải hành khách và vận tải hàng hoá.
Ngày 26/6, thông tin từ UBND TP.HCM cho hay, đã thống nhất với Cục đường sắt quy hoạch nhà ga đầu mối hàng hoá tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh trên khu đất rộng 42 ha. Riêng vị trí đặt nhà ga hành khách đầu mối đang được xem xét giữa 2 địa điểm là khu đô thị mới Thủ Thiêm hoặc ga Sài Gòn hiện hữu.
Đường sắt cao tốc vẫn là ước mơ khá xa đối với người dân Việt Nam |
Đây được xem là 2 động thái khẩn trương nhằm triển khai đồng bộ với quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ khi dự án này đang được UBND tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ xúc tiến. Theo thiết kế ban đầu, tuyến đường sắt cao tốc này dự kiến dài 160km, với khổ ray tàu rộng 1,435m, tàu cao tốc trên tuyến có thể đạt vận tốc 200km/giờ.
Tuyến đường sắt này cũng tách biệt hoàn toàn so với tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho do Pháp xây dựng trước đây nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế về vận tải hành khách và vận tải hàng hoá. Khi đưa vào khai thác, thời gian dự kiến đối với tàu cao tốc từ TP.HCM đến Tiền Giang chỉ mất 30 phút.
Tổng kinh phí đầu tư dự kiến vào khoảng 9 tỉ USD nhằm thiết kế, thi công tuyến đường sắt trên cao, một số đoạn trong nội thành sẽ cho tàu đi ngầm.
Cho đến thời điểm hiện tại, dự án đường sắt cao tốc vẫn là ước mơ của người dân Việt Nam. Mới đây, một dự án trọng điểm của TP.HCM là tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) đã chính thức lỗi hẹn đến năm 2018 sau khi nâng tổng vốn đầu tư lên gấp đôi vì biến động tỷ giá và các khoản dự phòng.
Tuyến metro số 2 cũng dự kiến phải đến năm 2016 mới có thể vận hành sau khi TP.HCM vừa ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trị giá 500 triệu USD.
Minh Dũng