Ngày 21/4, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc Tập đoàn Sơn Hải, chủ đầu tư dự án) cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan về đề xuất thu phí cao tốc Nha Trang - Cam Lâm qua tỉnh Khánh Hòa.

W-caotoc-nhatrang-camlam-1-1.jpg
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49km qua tỉnh Khánh Hòa dự kiến thu phí ngày 26/4. Ảnh: Xuân Ngọc. 

Việc thu phí dự kiến bắt đầu từ ngày 26/4, theo hình thức điện tử không dừng (ETC) toàn tuyến hơn 49km, nhằm hoàn vốn cho dự án. Thời điểm này cũng gần thời gian tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến được đưa vào khai thác.

Mức thu phí tối thiểu gần 82.000 đồng, tối đa 311.000 đồng cho mỗi lượt. Cụ thể: nhóm 1 gồm xe dưới 12 chỗ và xe tải trọng 2 tấn, xe buýt có mức phí 81.904 đồng; nhóm 2 có mức phí 106.475 đồng, áp dụng với ô tô 12-30 chỗ, xe tải trọng 2-4 tấn; nhóm 3 có mức phí 139.236 đồng, áp dụng với xe 30 chỗ, tải trọng 4-10 tấn; nhóm 4 là loại xe 10-18 tấn, xe chở hàng container 20 fit có mức phí 221.140 đồng; nhóm 5 dành cho xe có tải trọng 10-18 tấn, xe chở hàng container 40 fit, áp dụng mức thu phí 311.234 đồng.

W-caotoc-nhatrang-camlam-2-1.jpg
Một trong các trạm thu phí trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, hôm 19/4. Ảnh: Xuân Ngọc.

Theo ghi nhận của P.V VietNamNet, trước đó, hôm 19/4, nhà đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã thực hiện kiểm tra các hệ thống máy móc, hệ thống nhận diện để thanh toán tự động tại điểm thu phí. Các barie được lắp đặt. Đồng thời, đơn vị này cũng thực hiện chạy xe qua các trạm để kiểm tra việc thu phí không dừng.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49km có 4 làn xe, qua Khánh Hòa, tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện.

Cao tốc này có 4 trạm thu phí tại nút giao Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh. Dự án được khởi công hồi năm 2021, hoàn thành đưa vào hoạt động hồi tháng 5/2023. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa thể thu phí do đợi tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thiện nhằm khớp nối, thu phí toàn tuyến. Còn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cơ bản hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác vào cuối tháng 4 này. 

W-caotoc-1-1.jpg
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm áp dụng thu phí theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Ảnh: Xuân Ngọc.

Khi cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào vận hành, khớp nối với 4 tuyến (Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm) sẽ tạo thành đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông dài khoảng 380km, bắt đầu từ TPHCM tới Nha Trang (Khánh Hòa). Tuyến sẽ kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Nha Trang còn 4-5 giờ so với 8-9h như trước đây.