Cùng trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai nhưng hiện trạng thi công tại huyện Long Thành và TP Biên Hòa lại trái ngược nhau: nơi đang thi công, nơi vẫn chờ mặt bằng.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53km, qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài 34km, gồm 2 dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Theo ghi nhận của VietNamNet, trong những ngày đầu tháng 10 này, công trường ở đoạn qua huyện Long Thành (gồm 9,8km dự án thành phần 1 và 18km dự án thành phần 2) có mặt bằng "xôi đỗ".
Tại khu vực này, đơn vị thi công triển khai khoảng 50 mũi, hàng nghìn công nhân và máy móc được huy động tối đa để đẩy nhanh tiến độ.
Sau khi nhận tiền bồi thường và bốc thăm tái định cư, người dân đã tích cực di dời nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho bên thi công.
Theo báo cáo UBND huyện Long Thành, đơn vị đã phê duyệt phương án bồi thường cho 726/1.020 trường hợp ở dự án thành phần 1 (đạt 84%). Với dự án thành phần 2, địa phương đã phê duyệt bồi thường cho 1.595/1.758 trường hợp (đạt 86%).
Đến nay, huyện đã chi trả tiền bồi thường cho gần 1.500 trường hợp, bàn giao 175/230ha diện tích đất cần thu hồi.
Trong khi đó, ở đoạn cao tốc qua TP Biên Hòa dài hơn 6km, các hộ dân vẫn chưa di dời. Nguyên nhân do công tác đền bù, bố trí tái định cư cho người dân chưa hoàn tất.
Anh Nguyễn Nhật Trường (ngụ phường Phước Tân) cho biết gia đình đã được thông báo về việc giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc. Tuy nhiên, anh mong muốn chính quyền hỗ trợ để gia đình sớm có nơi ở mới phù hợp, ổn định cuộc sống.
UBND TP Biên Hòa cho biết dự án có hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng, địa phương đã phê duyệt bồi thường cho 585 trường hợp. Trong đó, 210 hộ dân đã được chi trả tiền bồi thường khoảng 710 tỷ đồng.
Địa phương đã bàn giao gần 30/59ha diện tích thu hồi (đạt 50%).
Trước đó, tỉnh Đồng Nai cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án trước ngày 15/10 tới.
Để đảm bảo mốc thời gian này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Võ Tấn Đức đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
“Địa phương hoàn thành 100% chỉ tiêu sẽ được khen thưởng. Ngược lại, những đơn vị chậm tiến độ sẽ phải chịu hình thức kỷ luật” - ông Đức nhấn mạnh.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 thành phần, khởi công đồng loạt vào tháng 6/2023.
Sau khi hoàn thành, thời gian xe ô tô từ TPHCM đi Vũng Tàu được rút ngắn còn khoảng 70 phút.
Cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91km được đề xuất mở rộng với kinh phí hơn 32.000 tỷ đồng theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với thời gian thu hoàn vốn 17 năm 4 tháng.
TPHCM bố trí gần 1.000 tỷ đồng mở rộng 3,2km đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành lên gấp đôi để giải quyết ùn tắc, đồng bộ giao thông, tăng kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ.