Đề xuất lấp hồ Thành Công, Sở QHKT nói gì?
Ý kiến trên được Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết tại buổi tổng kết thông tin kết quả công tác năm 2019 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Sở (chiều 8/1).
Thông tin về công tác quy hoạch chung cư cũ, lãnh đạo Sở QHKT cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng. UBND thành phố Hà Nội đã giao 17 nhà đầu tư triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ.
Xung quanh hồ Thành Công đã có nhiều công trình cao ốc đồ bủa vây. (Ảnh: Tòa nhà 19 tầng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có vị trí đắc địa 2 mặt phố Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, nằm “dựa lưng” vào hồ Thành Công). |
Đến nay, ngoài khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và giao chủ đầu tư xây dựng; Khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Đối với 22 khu còn lại có 9 khu chung cư cũ đã báo cáo UBND thành phố lần 2, 8 khu đã báo cáo lần 1. Còn lại 5 khu chưa nộp phương án.
Thông tin kết quả công tác năm 2019, Sở QHKT Hà Nội cho biết, thành phố đã phê duyệt 14 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 358,7ha; 19 hồ sơ chỉ giới tuyến đường giao thông chính. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc 117 dự án với khoảng 150,49ha đất, 3,31 triệu mét vuông diện tích sàn tầng nổi, 0,716 triệu mét vuông sàn tầng hầm. Năm 2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Báo cáo rà soát tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Lập đề án Cổng dữ liệu và thông tin dùng chung, Đề án dịch vụ công thông tin quy hoạch chung;… |
Trao đổi về đề xuất lấp một phần hồ Thành Công để xây chung cư, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội khẳng định đây mới chỉ là đề xuất của nhà đầu tư.
“Đây vẫn chỉ là đề xuất của nhà đầu tư. Thành phố xác định cho các đơn vị thực hiện cải tạo chung cư cũ phải tái định cư tại chỗ tất cả đối tượng dân cư hiện có. Ngay trong phương án đó chủ đầu tư cũng mạnh dạn lấy một mảnh đất xây dựng nhà tái định cư tại chỗ và sau đó sẽ phục hồi lại diện tích hồ này. Nhưng có lẽ hồ Thành Công là nơi gắn với người dân Hà Nội rất nhiều năm thông qua hoạt động công ích của những bậc cha chú trước đây nên dư luận có những ý kiến như thời gian qua” – lãnh đạo Sở QHKT nói.
Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở QHKT phương án cải tạo chung cư cũ còn nhiều vấn đề cần thực hiện trong đó có việc lấy ý kiến cộng đồng.
“Quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch sẽ phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy trình quy định lúc đó mới là phương án đưa vào thực hiện, xây dựng” - lãnh đạo Sở QHKT nhấn mạnh.
Cao ốc bủa vây hồ Thành Công
Trước đó, như VietNamNet thông tin, Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) vừa đề xuất với Hà Nội 2 phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội). Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng. Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao! Nếu làm theo đề xuất này thực chất là lấp đi một góc hồ để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng.
Khu biệt thự nằm bên cạnh công viên hồ Thành Công. |
Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải lần đầu tiên việc “lấp” hồ Thành Công được đưa ra. Trước đó, cách đây 2 năm, vào năm 2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo Công ty Việt Hưng đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía lãnh đạo thành phố cũng như người dân, chuyên gia…
Tiếp tục đưa ra đề xuất về việc lấp hồ Thành Công, dư luận cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều. Theo một nguồn tin của VietNamNet, phương án được Việt Hưng đưa ra lần này cũng có những ý kiến cho rằng có thể ghi nhận. Bên cạnh đó cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các thành viên Hội đồng thẩm định thành phố.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội nêu rõ quan điểm không đồng tình và cho rằng đây là phương án không hợp lý. Hiện nay, hồ Thành Công tiếp cận một phần ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng tạo nên không gian mở. Nếu lấp đi để xây dựng công trình cao 35 tầng thì sẽ đánh đổi không gian của ngã tư trở thành không gian kín.
“Hồ là hồ, không thể lấy đi một phần diện tích hồ xây dựng nhà chung cư rồi lại đào chỗ khác bù vào, không thể hoán đổi ví trí vậy được. Đề xuất không khả thi, không thể thực hiện bởi hồ có ví trí riêng của nó” - KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam. |
Trong phương án cải tạo khu tập thể Thành Công, tầng cao tối đa được đề xuất nâng lên tới 35 tầng và chiếm tới 70% là tỷ lệ căn hộ nhỏ loại 47,5m2; 20% là loại căn hộ 60m2 và 10% còn lại là loại căn hộ 75m2. Theo ông Nghiêm, với tỷ lệ cơ cấu căn hộ như vậy thì mật độ dân cư sẽ lớn hơn 10% so với quy hoạch dự định.
“Cái chính đưa ra phương án lấp hồ để lấy phần đất vàng, đất kim cương làm chung cư thì không hợp lý. Như vậy thì không nên” – ông Nghiêm nêu ý kiến.
Cũng theo ông Nghiêm, trong việc thực hiện cải tạo chung cư cũ việc nâng tầng phải tuân thủ theo quy hoạch thủ đô.
“Quan điểm của tôi là đừng vì lợi ích trước mắt, đừng vì cải tạo chung cư mà để lại áp lực lớn cho nhiệm kỳ sau vì trái với quy hoạch chung đặt ra” – ông Nghiêm nhấn mạnh.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng nêu quan điểm, cải tạo chung cư cũ sẽ có nhiều giải pháp, không phải lấy diện tích hồ, tài sản của cộng đồng để thực hiện. Bởi hồ Thành Công đóng vai trò điều hòa, thu gom nước mưa khi trời mưa tránh nguy cơ ngập lụt cho thành phố. Hơn nữa, hồ còn đóng vai trò là cảnh quan đô thị, tạo ra khí hậu tốt cho cảnh quan xung quanh, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng.
“Cái chính đưa ra phương án lấp hồ để lấy phần đất vàng, đất kim cương làm chung cư thì không hợp lý. Đừng vì lợi ích trước mắt, đừng vì cải tạo chung cư mà để lại áp lực lớn cho nhiệm kỳ sau vì trái với quy hoạch chung đặt ra”- ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội. |
Không ai làm chuyện ấy, hồ là hồ, không thể lấy đi một phần diện tích hồ xây dựng nhà chung cư rồi lại đào chỗ khác bù vào, không thể hoán đổi ví trí vậy được. Đề xuất không khả thi, không thể thực hiện bởi hồ có ví trí riêng của nó” ông Tùng nhấn mạnh.
Ghi nhận thực tế hiện nay, xung quanh hồ Thành Công đã có nhiều công trình cao ốc đồ bủa vây. Người dân quanh khu vực hồ Thành Công cho rằng, hồ Thành Công là một trong những hồ nước đẹp nhất của Hà Nội còn sót lại, vừa có tác dụng điều hòa nước phục vụ thủy lợi, vừa điều hòa không khí, là lá phổi xanh của khu vực quận Ba Đình và Đống Đa. Việc lấp hồ xây chung cư trong bối cảnh Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng lại càng vô lý. Bên cạnh đó, người dân lo ngại "lấp" hồ để xây 3 tòa chung cư cao tầng sẽ tạo ra áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông.
Hồng Khanh
Lại đề xuất ‘lấp’ hồ Thành Công xây chung cư
- Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã đề xuất Hà Nội cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công trong phương án mới nhất cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội).