Hiện đang là mua cao điểm viêm não, đặc biệt là viêm não do virus. Trong vài tuần qua, BV Nhi Trung ương và BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi mắc bệnh.
PGS.TS Bùi Vũ Huy, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, tại khoa đang điều trị cho 3 bệnh nhi từ tuyến dưới chuyển lên do viêm não Nhật Bản, đều trong tình trạng nặng với biểu hiện sốt cao, hôn mê, liệt, co giật…
Trong đó có bệnh nhi Bùi T. L., 15 tuổi ở Hà Nam. Bệnh nhân từng điều trị viêm não 3 ngày tại tuyến tỉnh nhưng diễn biến nặng nên được chuyển lên tuyến trên, nhập viện trong tình trạng kích thích mạnh, la hét, không tỉnh táo.
Bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương
Sau 4 ngày điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện bệnh nhi đã ổn định hơn, nhớ được mật khẩu điện thoại.
Bố của bệnh nhi chia sẻ, con gái được tiêm mũi 1 ngừa viêm não Nhật Bản lúc 5 tuổi. Mũi 2 dự định tiêm sau đó 1 tháng nhưng vì bé L. sốt nên gia đình bỏ tiêm. Từ đó đến nay, gia đình cũng chưa cho con đi tiêm lại do thấy con đã lớn.
Theo PGS Huy, việc tiêm phòng không đầy đủ chính là nguyên nhân khiến bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản. May mắn, cháu được đưa đến bệnh viện kịp thời nên chưa để lại di chứng.
PGS Huy nhấn mạnh, viêm não Nhật Bản chiếm tới 30% các ca viêm não tại Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh do virus truyền từ muỗi.
“Dù có tỉ lệ mắc lớn song đây là loại viêm não đã có vắc xin ngừa. Cách đơn giản là mỗi bệnh nhi tiêm đủ 3 mũi vắc xin bất hoạt ngừa viêm não Nhật Bản, tốt nhất từ lúc trử 1 tuổi, sau đó cứ 5 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi đủ 18 tuổi để đảm bảo duy trì lượng kháng thể bảo vệ”, PGS Huy lưu ý.
Ngoài ra, trên thị trường có vaccine sống giảm động lực, chỉ cần tiêm 2 mũi, mũi 1 tiêm lúc trẻ được 9 tháng, mũi thứ 2 tiêm sau mũi đầu 1 năm.
Đến nay, chưa có thuốc đặc trị viêm não, việc điều trị chủ yếu giải quyết các triệu chứng. Tỉ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản lên tới 30%.
Với bệnh nhân viêm não nặng bị co giật, thở máy, nếu may mắn thoát cơn nguy kịch cũng có nguy cơ để lại các di chứng nặng nề như liên quan đến vận động, suy nghĩ… phải tập phục hồi chức năng rất vất vả.
Để phát hiện sớm các trường hợp trẻ bị viêm não, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng như: Sốt rất cao kèm đau đầu, uống hạ sốt không hạ, buồn nôn và nôn ngay cả khi không đúng bữa ăn, cơ thể kích thích, vật vã…
Thúy Hạnh
Bé trai Hải Dương nguy kịch, liệt nửa người vì không tiêm phòng
- Thấy con sốt, đau đầu, cha mẹ nghĩ ốm bình thường nhưng uống hạ sốt mãi không đỡ. Sau 3 ngày vào viện, trẻ đã bị phù não.