Sắp bước vào đợt xét tuyển đầu tiên nhưng lãnh đạo các trường cao đẳng tỏ ra khá bi quan với tình hình tuyển sinh năm nay.
“Chỉ tiêu thì đầy ra đấy…”
“Chỉ tiêu thì đầy ra đấy nhưng thí sinh chẳng thấy đâu” – ông Nguyễn Quang Hậu, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Thọ cảm thán.
Trường tuyển sinh theo cả hai phương thức xét học bạ THPT và xét tuyển theo kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Hậu, đến giờ phút này chưa có một thí sinh nào đăng ký xét tuyển vào trường và ông cũng không hề lạc quan với tình hình xét tuyển trong thời gian tới.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 (Ảnh Lê Anh Dũng) |
Sự thay đổi trong thi tuyển và xét tuyển trong năm nay khiến các trường CĐ “đột nhiên” rơi vào thế bị động.
Nếu như những năm trước nhiều trường tổ chức thi tuyển sẽ nắm chắc được một số lượng thí sinh không nhỏ vào trường mình theo nguyện vọng 1, thì năm nay, tất cả các trường rơi vào trạng thái chờ đợi… mông lung.
Ông Hậu chia sẻ: “Thực sự là chúng tôi cũng không thể dự báo được việc xét tuyển năm nay sẽ như thế nào, có thể tuyển đủ chỉ tiêu hay không. Năm nay có tới 120 trường có phương án xét tuyển riêng, mà mức điểm trung bình 6,5 để được xét tuyển vào đại học là việc quá đơn giản, nên đương nhiên học sinh sẽ nộp hồ sơ vào đại học tất chứ học làm gì cao đẳng, trung cấp”.
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ ASEAN chia sẻ: “Với các điều kiện xét tuyển như thế này, nếu có con thì mình cũng cho học đại học”.
Cùng một nỗi lo, ông Bùi Tất Hiếu, trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Du lịch Hà Nội nói với phóng viên: “Trường có 2.450 chỉ tiêu đào tạo cao đẳng, chưa kể chỉ tiêu trung cấp, nhưng chúng tôi đang rất lo lắng. Các trường ĐH được tuyển quá nhiều nên chắc chắn các trường CĐ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh năm nay”.
Ông Trần Hữu Thể, trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết mọi năm trường vẫn tổ chức thi và tuyển được vài chục % chỉ tiêu theo nguyện vọng 1, còn lại là xét tuyển theo kết quả thi “3 chung”. Nhưng năm nay, việc các trường đại học được xét tuyển bằng cả học bạ cũng là một nỗi lo phải tính đến. “Khi ngành muốn học mình đủ điều kiện vào cả ĐH và CĐ thì chắc chắn các em không vào CĐ”.
Mặc dù theo quy định, các trường CĐ cũng nhận hồ sơ xét tuyển ngay từ đợt 1 cùng với các đợt nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, không một vị lãnh đạo trường CĐ nào cho rằng mình sẽ nhận được hồ sơ ở thời điểm này.
Bà Phương, lo ngại: “Không chỉ quy định mỗi đợt có đến 4 ưu tiên, mà các trường ĐH còn tuyển quá nhiều hình thức đào tạo, từ chính quy đến liên thông, bằng hai… Kể cả trường ĐH công lập cũng “tham”, mà theo tôi đúng như kiểu “ăn từ con cá mập tới con tép”, nên số lượng thí sinh “rơi” xuống CĐ chắc chắn chẳng còn mấy em”.
Bộ Giáo dục phải mạnh tay hơn
Chiều ngày 28/7 Bộ GD-ĐT đưa ra mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với ĐH và CĐ. Tuy nhiên, điều này cũng không cho các trường CĐ nhiều hy vọng.
Ông Nguyễn Quang Hậu mong mỏi “Tôi chỉ muốn đề nghị Bộ GD-ĐT chấm dứt tình trạng trăm hoa đua nở như hiện nay, chỗ nào cũng đua nhau mở trường và tuyển sinh ĐH mà không chú trọng tới chất lượng đào tạo, trong khi cử nhân thất nghiệp thì còn nhiều như vậy”.
Bà Phương cũng không cho rằng ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của Bộ sẽ có nhiều ý nghĩa nếu Bộ không mạnh tay siết chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đại học. “Bên cạnh ngưỡng đầu vào, Bộ GD-ĐT cần có chế tài ràng buộc các trường ĐH. Theo đó, cần căn cứ cơ sở vật chất, điều kiện giảng viên mà quy định cho các trường đại học chỉ được tuyển đúng số lượng chỉ tiêu để đảm bảo đào tạo đúng chất lượng. Bộ không thể để các trường ĐH thấy tuyển được là cứ tuyển, rồi sau đó chấp nhận nộp phạt là xong”.
Bà Phương cũng cho rằng Bộ cần làm quyết liệt hơn việc phân luồng đào tạo, “cần tiến tới sau này trường ĐH chỉ đào tạo ĐH và trên ĐH, trường CĐ đào tạo CĐ, thì mọi người mới yên tâm để xây dựng “sân” riêng của mình. Nếu không sòng phẳng, sẽ sớm tới lúc các trường CĐ “chết” hết”.
“Chúng tôi vẫn gọi tập trung vào mùng 4/9, nhưng khả năng có sinh viên nhập học là rất yếu ớt” – bà Trần Kim Phương. “Phải có sinh viên mới khai giảng” – ông Nguyễn Quang Hậu. “Chúng tôi đào tạo theo niên chế nên vẫn sẽ khai giảng theo kế hoạch, dù chưa biết tình hình tuyển sinh ra sao” – ông Bùi Tất Hiếu. |
Ngân Anh