Trong 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng đã có 16 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, 113 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa.

Hệ thống nhà văn hóa cấp xóm, xã cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động của dân

Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh; tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện tiêu chí số 6 và số 16 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngành văn hóa  đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện.

Trong đó, xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới là việc làm thiết thực, quan trọng. Việc thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các hoạt động như: giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, chiếu bóng lưu động, triển lãm tranh, ảnh, treo băng rôn, khẩu hiệu, qua hệ thống thư viện… Từ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

{keywords}
Lễ hội Nàng Hai

Trong quá trình thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, ngành văn hóa phối hợp với các huyện, Thành phố rà soát các thiết chế văn hóa ở cấp xóm, xã để có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa nông thôn, vận động xã hội hóa cho công tác văn hóa ở cơ sở. Quá trình thực hiện huy động từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và xây dựng nông thôn mới hỗ trợ hằng năm và nguồn hỗ trợ xã hội hóa từ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân về kinh phí, hiến đất, ngày công lao động... trong xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 60 nhà văn hóa xã, đạt 30%; 1.968 nhà văn hóa xóm/2.487 tổ, xóm, đạt 79%. Hệ thống nhà văn hóa cấp xóm, xã cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động của nhân dân.

Các cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác quản lý, sử dụng nhà văn hóa

Xác định tiêu chí văn hóa là một trong những tiêu chí khó, cần sự đồng thuận và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, vì vậy ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, xã Đức Long, huyện Thạch An chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức, như: hiến đất xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, ngày công lao động, tiền, vật liệu...

Cùng với quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, các cấp ủy, chính quyền còn làm tốt công tác quản lý, sử dụng nhà văn hóa, hạn chế tình trạng nhà văn hóa không phát huy tác dụng,  dẫn đến tình trạng xuống cấp, không sử dụng được. Đối với tiêu chí số 16 về văn hóa, trong quá trình thực hiện, các cấp chú trọng triển khai việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy ước xóm; hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu thực hiện chỉ tiêu, chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Xóm văn hóa”, bảo đảm tiêu chí “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa hàng chục tỷ đồng, từ năm 2011 đến nay, các địa phương đầu tư thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa và luyện tập thể dục, thể thao cơ bản cho các nhà văn hóa xã, xóm, các điểm vui chơi trẻ em; cấp ấn phẩm văn hóa thông tin cho 164 xã đặc biệt khó khăn, cấp sách, báo cho hệ thống thư viện; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa ở cơ sở... Qua đó, các danh hiệu văn hóa ngày càng nâng cao về chất lượng và số lượng, năm 2019, toàn tỉnh có 105.776/124.827 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tăng 1% so với năm 2018; 1.629/2.487 xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Xóm, tổ dân phố văn hóa”, tăng 12% so với năm 2018.


Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Vân cho biết: Để thực hiện hiệu quả tiêu chí số 6, số 16 trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Sở đã ban hành các văn bản về việc thực hiện tiêu chí nông thôn mới trong lĩnh vực văn hóa. Qua đó nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai, thực hiện, nhân dân đồng thuận, đồng tình ủng hộ, tham gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và  xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào đời sống.

Việc thực hiện các phong trào góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển hiện nay; vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa được phát huy; thực hiện chủ trương xã hội hóa văn hóa có hiệu quả, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Trần Hảo
Ảnh: Ngọc Trang