Thiết nghĩ, việc tinh giản nhân sự lãnh đạo ở mỗi bộ, cơ quan ngang bộ cần tính đến những đặc thù và nhiệm vụ của từng giai đoạn nhất định.  

>> Xem lại Kỳ 1: Chia sẻ với các bộ trưởng... ‘siêu bộ’ 

“Siết” thứ trưởng liệu có hợp lý? 

Trước khi đăng đàn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vừa có chuyến công cán tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Kazakhstan dự Lễ ký Hiệp định tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEUVFTA), thăm chính thức ba nước châu Âu, bắc Phi. Cuối tháng 6, ông đã lại có mặt ở Brussels (Bỉ) làm việc với các quan chức Cao ủy thương mại EU để tiến tới kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA… 

Nhiều năm làm việc dưới quyền ông Tuyển (hai lần làm Bộ trưởng), có thời kỳ ngắn là ông Vũ Khoan, sau này đến ông Hoàng… tôi biết các ông có sức đi và làm việc đến kinh ngạc.  

Đầu năm 2000, ông Vũ Khoan về làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Hai, ba tháng sau là giai đoạn cao trào chốt lại đàm phán Hiệp định Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhiều đêm ở Hà Nội, ông Vũ Khoan phải thức trắng chỉ để “canh” điện thoại của anh em đoàn đàm phán gọi điện từ bên kia bán cầu về xin ý kiến hàng loạt vấn đề.  

Giữa tháng 9/2007, tôi cùng mấy vụ trưởng, vụ phó tháp tùng Bộ trưởng Hoàng đi làm việc tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ngày làm việc đầu tiên, sáng với tỉnh Phú Yên, chiều với tỉnh Khánh Hòa. Cuối chiều, có điện thoại từ  văn phòng Hà Nội: Ngày mai Bộ chính trị họp về tình hình xuất khẩu gạo. Vậy là tối ấy, ông Hoàng cấp tốc ra sân bay trở về thủ đô. Họp xong, chiều tối ông lại đi thẳng ra Nội Bài đáp chuyến bay cuối ngày vào Đà Nẵng…  

Có áp lực và quá tải không đối với một Bộ trưởng khi vừa phải lo mở mang, hội nhập thị trường ngoài nước lại vừa phải lo cho thị trường nội địa với hàng tá lĩnh vực sản xuất và lưu thông? Câu hỏi này cũng có thể đặt ra đối với Bộ trưởng Cao Đức Phát.  

Phía sau Bộ NN&PTNT là bao nhiêu lĩnh vực: lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản… Chỉ riêng thủy sản cũng đã bao nhiêu vấn đề: Cảng biển từ Bắc chí Nam, đời sống ngư dân, rồi ngành thủy sản quan trọng như thế nào với an ninh và chủ quyền biển đảo hiện nay? 

Chẳng thế mà ngày 9/4/2015, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội họp nghe báo cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đã đặt câu hỏi: Nếu quy định cứng cấp phó các bộ, cơ quan ngang bộ không quá 5 thì trên thực tế đã phù hợp chưa? Như Bộ NN&PTNT quá lớn, nếu chỉ 5 cấp phó thì có đủ để đảm nhiệm công việc? Cùng quan điểm với bà Trương Thị Mai, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng: Nếu số lượng cấp phó thống nhất chỉ 5 Thứ trưởng thì hơi “căng” đối với các bộ đa ngành! 

Dư luận sau đó cũng có nhiều ý kiến xung quanh chủ đề trên. Đại loại: Sao chỉ hai Bộ Quốc phòng, Công an 6 Thứ trưởng; sao lại “đổ đồng” các bộ còn lại không quá 5 cấp phó? Việc quyết định nhân sự lãnh đạo mỗi bộ cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và cả địa bàn hoạt động.  

Hay: Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức là cần thiết, cấp bách, nhưng sẽ hiệu quả hơn là giảm bớt những chồng chéo giữa các bộ, ban ngành ở Trung ương. Tự mỗi bộ cần tinh gọn, giảm bớt các cục, vụ viện… chứ “siết” một hay hai thứ trưởng có khi lại ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều hành hoạt động của một ngành… 

Cuối cùng, kỳ họp Quốc hội kỳ này đã thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trong đó, khác so với dự thảo, có thêm Bộ Ngoại giao được chấp thuận 6 thứ trưởng. Còn lại các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn giữ nguyên, không quá 5.  

Vậy là ý kiến của bà Trương Thị Mai, ông Ksor Phước không nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu Quốc hội. Lạm nghĩ, nếu là đại biểu Quốc hội tôi sẽ “ấn nút” để Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương ở trong top các bộ có 6 Thứ trưởng!  

Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức là chủ trương lớn và đúng của Đảng, Nhà nước. Nhưng thiết nghĩ, việc tinh giản nhân sự lãnh đạo ở mỗi bộ, cơ quan ngang bộ cần tính đến những đặc thù và nhiệm vụ của từng giai đoạn nhất định. Có thể, quá trình thảo luận đến khi biểu quyết, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng nhớ là do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế mà Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT từng hợp nhất 6-7 bộ?  

Cũng như vậy, có thể không phải đại biểu Quốc hội nào cũng biết là thời “đa phương hóa và là bạn với tất cả các quốc gia”, chỉ nội việc lo đàm phán các hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại đã cuốn đi nhiều thời gian, công sức một Thứ trưởng của Bộ Công thương trong vai trò Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ. Trước đây là Thứ trưởng Lương Văn Tự, những năm gần đây là Thứ trưởng Trần Quốc Khánh.  

{keywords}

 Xe chở nông sản đậu kín trong kho bãi của cửa khẩu Tân Thanh sáng 5/4. Ảnh: Văn Duẩn/ Người lao động

Bài toán không chỉ riêng hai “siêu bộ” 

Sau Hiệp định Tự do thương mại với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu mới đây, việc ký Hiệp định với EU chỉ còn là vấn đề thời gian. Ấy là chưa nói Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang có tín hiệu tích cực khi mới đây Tổng thống Obama đã chính thức được Thượng viện Mỹ trao cho quyền đàm phán nhanh.  

Một loạt các FTA được ký kết trong năm 2015 và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho nhiều hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu, rộng ra thị trường các châu lục. Nông nghiệp là ngành được hưởng nhiều cơ hội rõ nhất do các FTA đem lại. Chẳng hạn Hàn Quốc sẽ miễn thuế cho mặt hàng tôm Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm trong 5 năm đầu (gấp hai lần số lượng tôm nhập khẩu từ các nước ASEAN cộng lại), sau đó tăng lên 15.000 tấn/năm…  

Nhưng "có đi có lại mới toại lòng nhau", Việt Nam cũng phải mở rộng cửa cho nhiều hàng hóa, dịch vụ từ nhiều quốc gia vào. Và, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp sẽ là ngành chịu thách thức và tác động nhiều nhất khi thực thi các FTA! 

Có một câu chuyện rộ lên ngay sau khi Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết. Các chuyên gia đàm phán Việt Nam kể: “Chỉ riêng việc chúng ta chấp nhận đánh đổi xăng dầu, ô tô, sắt thép... để xuất được tỏi, ớt, tôm, cá, cua vào thị trường Hàn Quốc đã phải đàm phán, co kéo đến 3 - 4 ngày đêm liền”, thậm chí “Chính phủ Hàn Quốc, cả đêm các Bộ trưởng gọi điện cho nhau họp nội các chỉ để thông qua vấn đề tỏi, ớt…”. [1]  

Tại sao người Hàn lại thận trọng đến thế khi đàm phán những mặt hàng này? Là nước phát triển, từ lâu bảo hộ nông nghiệp là vấn đề được Hàn Quốc đặt lên hàng đầu, bởi nó không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Rồi đây, khi hằng năm một số lượng không hề nhỏ hải sản, nông sản nhập khẩu từ Việt Nam có thể gây khó dễ, ảnh hưởng đến cơ cấu nông nghiệp của xứ sở Kim chi(?).  

Một câu chuyện mà bất cứ người Việt nào, nếu không vô cảm với nền kinh tế của đất nước, cũng phải động lòng! Đã có người Việt Nam nào thật sự lo lắng cho các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp của đất nước mình khi thấy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối bán ê hề gạo nhập khẩu từ Thái Lan, hoa quả nho, táo, tỏi, khoai tây… có xuất xứ từ nhiều nước? 

Lời cảnh báo đã nghe gióng lên nhiều. Rồi đây, ngành công nghiệp ô tô, sắt thép, xi măng, dệt may… rồi nhiều sản phẩm, loại hình dịch vụ khác của Việt Nam vốn đang loay hoay lấy công làm lãi, hay ngành nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm, hoa quả) thì vật vã năm này sang năm khác với điệp khúc “được mùa thì ứ đọng và mất giá” sẽ như thế nào? 

Không ngẫu nhiên, sau trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, sáng 13/6 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng và sẽ được gấp rút triển khai thì có 2 giải pháp liên quan đến ngành Công thương, NN&PTNT. Đó là: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương, gắn sản xuất với thiêu thụ sản phẩm; Chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định tự do thương mại (FTA)…” 

Rõ ràng đây là một bài toán không chỉ hai “siêu bộ” - Bộ Công thương, NN&PTNT - mà Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong cả nước cùng phải đồng tâm, hiệp lực và tìm ra lời giải căn cơ, hữu hiệu nhất cho trước mắt và cả lâu dài. Nếu không, các kỳ họp Quốc hội khóa mới tới lại vẫn chất vấn và trả lời chất vấn. Và, vẫn là những nội dung na ná như đã từng chất vấn, trả lời chất vấn! 

Bùi Đức Khiêm (Nhà văn - Nguyên Tổng biên tập Báo Công thương)

---

[1] Gạo, tỏi gây căng thẳng đàm phán FTA với Hàn Quốc, VnExpres, 22/5/2015.