Ngày nay, thương mại qua biên giới không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực biên giới, mà đã trở thành hoạt động thương mại giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế. Các cửa khẩu biên giới đất liền đã trở thành những “cửa ngõ” - “cây cầu” trung chuyển hàng hóa giữa các nước có chung biên giới. Nhìn chung, hợp tác kinh tế qua biên giới thường hướng tới các mục tiêu: nâng cấp giao thông, thuận lợi hoá thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Việc thành lập các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới - khu hợp tác qua biên giới là một chiến lược, định hướng nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển, phát huy lợi thế so sánh của các địa phương vùng biên giới. Khu hợp tác kinh tế qua biên giới không chỉ góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, thuận lợi hoá thương mại, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu vực biên giới, mà còn đóng góp vào sự phát triển các chuỗi cung ứng vùng và toàn cầu.

Cùng với Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới có vị trí chiến lược quan trọng, là “phên dậu” vững chắc phía Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài trên 333km.

Năm 2022, hai bên phối hợp tổ chức thành công 7 hội nghị, hội đàm; thiết lập cơ chế trao đổi liên lạc giữa các cơ quan quản lý thuộc Cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) và cửa khẩu Sóc Giang (Việt Nam) - Bình Mãng (Trung Quốc); 2 địa phương Bảo Lạc (Việt Nam) - Nà Po (Trung Quốc), Trùng Khánh (Việt Nam) - Tịnh Tây (Trung Quốc) thiết lập quan hệ huyện - thành phố hữu nghị.

Vận hành thí điểm qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc)

Ngày 15/9, tại Trạm kiểm soát hai bên Việt Nam-Trung Quốc trong Khu cảnh quan (Khu vực Mốc 834/1), Văn phòng Thường trực, Ủy ban Điều phối tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Tổ Công tác liên ngành, Ủy ban Điều phối Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc).

caobang.png
Một góc thác Bản Giốc

Mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Việc hai nước hoàn thành ký kết Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) mang ý nghĩa to lớn trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, thể hiện sự thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.

Việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)–Đức Thiên (Trung Quốc) là tiền đề để đưa Khu cảnh quan này vào vận hành chính thức trong thời gian tới, thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt-Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển và đi vào chiều sâu.

Trà Lĩnh được đánh giá là đắc địa trong bối cảnh Trung Quốc là bạn hàng lớn về hàng hóa nông sản của Việt Nam. Từ trước đến nay, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản tập trung chủ yếu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Hàng hóa xuất nhập khẩu có xu hướng tăng nhanh nhưng hạ tầng cơ sở như: Hệ thống kho bãi, giao thông tại các cửa khẩu chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có kho trung chuyển hàng hóa phục vụ cho việc kiểm tra thông quan; không ít lần xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân, doanh nghiệp.

Xác định lợi thế của Trà Lĩnh, Cao Bằng đã phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Cửa khẩu Trà Lĩnh với tổng diện tích 177 ha. Sau khi phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch, việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã khởi sắc, bởi những tiềm năng, thế mạnh được đánh thức bằng những hoạch định đúng hướng.

Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã được đầu tư bài bản, hiện đại với các công trình Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu, nơi làm việc của các lực lượng chuyên ngành như Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch, Ban Quản lý khu kinh tế với các khu vực: quá cảnh, kiểm tra, kiểm soát..., phục vụ hoạt động quản lý, giao lưu phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch; đầu tư.

Nội dung đột phá và trọng tâm nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tỉnh Cao Bằng là phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế. Để làm được điều này, Cao Bằng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Tà Lùng; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic; tổ chức sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu; áp dụng các biện pháp giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa…

Hoà An