Thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã đẩy mạnh triển khai DVCTT, nhất là đối với 25 DVCTT thiết yếu liên quan đến người dân ban hành kèm theo Đề án 06. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, công dân thực hiện DVCTT thay cho phương thức truyền thống.
Đến tháng 4/2024, hồ sơ nộp trực tuyến đạt 56,8%; 32,07% DVCTT có giao dịch thanh toán trực tuyến; 28,99% hồ sơ thanh toán trực tuyến; 63,58% hồ sơ cấp kết quả điện tử; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt 62,08%.
Thường xuyên duy trì công tác thu nhận hồ sơ và hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử đối với toàn bộ công dân đủ điều kiện phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, phối hợp thực hiện cấp phát chữ ký số trong nhân dân, mở tài khoản thanh toán điện tử phục vụ triển khai các mô hình điểm nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số tại địa phương.
Quý I/2024, toàn tỉnh thu nhận 15.649 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt 14.382 tài khoản định danh điện tử. Lũy kế tính đến ngày 10/4/2024, toàn tỉnh thu nhận 305.695 hồ sơ đăng ký cấp tài khoản, trong đó kích hoạt 271.167 tài khoản.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh chính thức kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, hiện đã khai thác 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin có trong CSDL quốc gia về dân cư.
Từ tháng 1/2024 đến nay, toàn tỉnh có 14.891 lượt tra cứu, xác thực thông tin công dân trên CSDL quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC. Lũy kế đến nay có 101. 290 lượt tra cứu, xác thực thông tin công dân trên CSDL quốc gia về dân cư.
Toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hoàn thành thực hiện mô hình khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VneID. 180/180 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã trang bị đầu đọc CCCD gắn chip. Tỷ lệ sử dụng CCCD gắn chip khi đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập là 54.441/122.741, đạt 44,4% tổng lượt khám và điều trị.
Đây là một bước tiến trong cải cách hành chính, minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho người dân trong thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, y tế và thực hiện thắng lợi Đề án 06 trên địa bàn.
Không chỉ phát huy hiệu quả trong lĩnh vực y tế, mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM còn được triển khai tại các cơ sở kinh doanh lưu trú. Ở các khách sạn, nhà nghỉ thường xuyên đón khách lưu trú, nếu như trước đây việc làm thủ tục lưu trú phải đến trực tiếp cơ quan công an, thì với phần mềm ASM, chủ cơ sở chỉ cần thực hiện các thao tác theo hướng dẫn.
Sau đó, khai báo lưu trú của chủ cơ sở sẽ được lực lượng công an tiếp nhận. Khách đến lưu trú ở bất kỳ giờ nào trong ngày thì chủ các cơ sở đều có thể khai báo lưu trú. Điều này vừa tạo thuận tiện cho chủ cơ sở vừa nâng cao việc quản lý địa bàn của lực lượng công an. Hiện nay, toàn tỉnh có 449 cơ sở phát sinh thông báo; 159 cơ sở lưu trú phê duyệt đăng ký mới; 21.189 tài khoản đã tạo.
Toàn tỉnh triển khai cao điểm chi trả an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán 2024, hiện nay đang duy trì thực hiện. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho 30.138/33.156 đối tượng bảo trợ xã hội, người có công qua tài khoản và dịch vụ chi trả (đạt 90,89%), trong đó chi trả qua tài khoản cho 6.060 người, chiếm 18,27% trên tổng số đối tượng an sinh xã hội quản lý, đạt 64,15% trên số đối tượng có tài khoản, với tổng số tiền chi trả qua tài khoản trên 4,4 tỷ đồng; 24.078 đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trên 12,5 tỷ đồng qua dịch vụ chi trả tại các điểm giao dịch bưu điện cấp xã, chiếm 72,62% tổng số đối tượng an sinh xã hội đang quản lý. Còn lại 3.018 đối tượng đang hoàn thiện các thủ tục để chi trả qua tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ chi trả trong tháng tiếp theo.
Ngoài ra, với những tiện ích Đề án 06 mang lại, công dân còn có thể sử dụng ứng dụng VNeID để tố giác tội phạm. Thông thường người dân muốn tố giác tội phạm phải làm đơn trình báo, hoặc trực tiếp đến cơ quan công an, thì nay thông qua ứng dụng VNeID, việc trình báo, tố giác tội phạm trở nên kịp thời và đơn giản hơn. Đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận 714 tin tố giác tội phạm, trong đó có 218 tin an ninh trật tự, 433 tin tố giác tin báo.
Nhờ dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm dữ liệu công dân được lưu trữ trong CSDL quốc gia về dân cư và tích hợp, chia sẻ thông suốt với các CSDL chuyên ngành liên quan, các nhiệm vụ của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ngày càng được triển khai hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân trong quá trình tham gia các TTHC, giao dịch dân sự bằng hình thức trực tuyến.
Đồng thời, việc khai thác những ứng dụng, tiện ích trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư giúp lực lượng công an chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn để có các phương án xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo Minh Ánh (Báo Cao Bằng)