Cơ hội mới từ đầu tư xây dựng công viên địa chất Non Nước
Tỉnh Cao Bằng thuộc vùng du lịch trung du và miền núi phía Bắc, có trên 333km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Tỉnh được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp tuyệt mỹ, không chỉ mang nhiều giá trị đa dạng sinh học độc đáo, các giá trị di sản địa chất, địa mạo, mà còn là nơi hội tụ của nhiều di tích lịch sử, khảo cổ học nổi tiếng.
Dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 95,3% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những phong tục, tập quán với nét sinh hoạt văn hóa rất riêng, độc đáo, phong phú, tạo nên sự giao hòa văn hóa giữa các dân tộc anh em, hình thành văn hóa đa dân tộc và đậm đà bản sắc của vùng đất Cao Bằng...
Tỉnh Cao Bằng sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, riêng có, với hơn 200 di tích, trong đó 98 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950; 25 di tích cấp quốc gia; 68 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia; 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Tỉnh Cao Bằng có trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó tiếng nói, chữ viết có 6 di sản, ngữ văn dân gian có 150 di sản, tập quán xã hội và tín ngưỡng có 745 di sản, lễ hội truyền thống có 200 di sản, nghề thủ công truyền thống có 112 di sản, tri thức dân gian có 487 di sản, nghệ thuật trình diễn dân gian 300 di sản...
Được thiên nhiên ưu ái, tỉnh Cao Bằng có những thắng cảnh say đắm lòng người, như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi (huyện Trùng Khánh), Quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa) với hệ thống hang động ngầm rất hấp dẫn du khách quốc tế... Trong đó, có những di sản có giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm, như Khu bảo tồn loài vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học, nơi sinh sống của trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm...
Tỉnh Cao Bằng nổi tiếng có nhiều đặc sản, văn hóa ẩm thực độc đáo, trong đó nổi bật như: lê Đông Khê lọt vào tốp trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012, bánh Coóng phù Cao Bằng, xôi Trám, hạt dẻ lọt tốp 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Với những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa, tháng 4-2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu với diện tích trên 3.000km2, sở hữu những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa với hơn 130 điểm di sản và ba tuyến trải nghiệm. Việc xây dựng thành công danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, đem đến những đóng góp rất tích cực, hiệu quả đột phá cho ngành du lịch của địa phương.
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, lãnh đạo công tác gìn giữ, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, của non nước, nguồn tài nguyên dồi dào tỉnh Cao Bằng, tạo tiền đề, cơ sở cho phát triển du lịch.
Để du lịch Cao Bằng cất cánh vươn xa trong tương lai, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định: Từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Cao Bằng đón khoảng 3 triệu khách du lịch, trong đó đạt 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc đạt tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia.
Du lịch xanh- điểm tựa để du lịch Cao Bằng cất cánh vươn xa
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2020 xác định du lịch là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng lộ trình phù hợp, với điểm nhấn quan trọng là Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29-4-2016, của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại những kết quả tích cực, thay đổi cơ bản diện mạo du lịch Cao Bằng. Kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Công tác quy hoạch du lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được hoàn thành.
Hiện nay hệ thống rừng đặc dụng của tỉnh gồm 8 khu, với tổng diện tích gần 24.261,28 ha. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa. Nhiều khu rừng đặc dụng có tiềm năng lớn là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học như: vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình); Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít, Khu bảo tồn thiên nhiên thác Bản Giốc (Trùng Khánh); Khu di tích lịch sử, văn hoá Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích lịch sử, văn hoá rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình); Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Thang Hen (huyện Trà Lĩnh, nay là huyện Quảng Hòa)…

Bên cạnh đó, tỉnh còn có những nông trại, nhà vườn với đủ các loại hoa trái từ thành phố đến các huyện: hoa hồng, dâu tây, cà chua, dưa lưới, dưa leo, thanh long, quýt, mận máu, hạt dẻ, lê vàng, bí hương… Tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng trên phục vụ cho phát triển du lịch một cách hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái đòi hỏi rất nhiều yếu tố khi mà phát triển du lịch có tác động lớn đến môi trường tự nhiên.
Năm 2018, Công viên Địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, cảnh quan và địa chất được đưa vào CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch có thể kể đến như: 94 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng; trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó nhiều điểm có giá trị tầm cỡ quốc tế.
Việc phát triển du lịch xanh gắn với phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh thái là hướng đi nằm trong kế hoạch phát triển du lịch dài hạn của Cao Bằng. Tới nay, Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gắn phát triển du lịch với phát huy tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất Non nước Cao Bằng cũng xuất phát từ định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh, đây là một mô hình phát triển kinh tế xã hội bền vững hướng tới vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát huy các điểm di sản, sử dụng hợp lý tài nguyên; hạn chế vấn đề khai thác vào cảnh quan, vào điều kiện tự nhiên; giữ gìn và phát huy tối đa mọi giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc; tận dụng các thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa mô hình xe điện du lịch thân thiện với môi trường vào hoạt động ở khu vực thành phố Cao Bằng và Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó từ năm 2017; triển khai du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở một số huyện, nổi bật là Khu du lịch sinh thái Kolia (Nguyên Bình), Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen (Quảng Hòa), Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc), Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao (Nguyên Bình), Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky (Trùng Khánh)...
Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, sạch, gần gũi thiên nhiên, tỉnh Cao Bằng đang hoàn thiện chính sách quản lý cũng như khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh.