Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, tỉnh Cao Bằng cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt hơn, gần đây những nhóm tội phạm này đang có xu hướng mở rộng phạm với tới những miền quê nghèo hẻo lánh, vùng sâu vùng xa, biên giới, nơi người dân chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin, nhẹ dạ cả tin.
Anh Hoàng Văn Sự, người dân tộc Mông, xóm Nà Ca, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, từng sập bẫy lừa đảo qua mạng internet. Anh Sự cho biết, xóm Nà Ca nơi anh sinh sống địa hình chia cắt, đường sá đi lại không thuận tiện, ít được tiếp xúc với thông tin. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải đi làm thuê nhưng cũng không đủ trang trải cho gia đình. Tình cờ, anh tìm việc trên mạng và được chào mời xuống Hà Nội làm bốc vác hoặc phụ xe.
Tuy nhiên, khi xuống Hà Nội, các đối tượng lừa đảo đã đưa anh Sự lên Thái Nguyên, giữ CCCD và điện thoại, buộc anh phải chuộc với giá 600.000 đồng và làm không công 20 ngày. Khi biết mình bị lừa, anh Sự đã gọi điện cho người nhà mang tiền xuống chuộc giấy tờ tùy thân mới có thể trở về quê nhà.
“Bây giờ bị lừa nhiều rồi, tôi không muốn đi nơi khác làm ăn nữa, chỉ ở quê nhà thôi, kiếm được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, không đi làm xa nữa. Các anh công an cũng tới tuyên truyền, bảo là không được đưa điện thoại, CCCD cho người lạ”, anh Sự chia sẻ.
Trường hợp của anh Sự cho thấy tội phạm công nghệ cao có thể nhắm tới bất kỳ ai, ở bất kỳ khu vực nào, giàu hay nghèo.
Thực tế, các vụ lừa đảo trên không gian mạng đều diễn ra với cùng kịch bản, đó là các đối tượng tội phạm thường sử dụng các chiêu trò đánh trúng tâm lý muốn thoát nghèo, làm giàu của người dân, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận hơn 10 lượt công dân đến trình báo liên quan tới lừa đảo công nghệ cao qua không gian mạng, thiệt hại tài sản lên tới cả chục tỷ đồng.
Thời gian qua, Công an tỉnh Cao Bằng cũng tiến hành mở các đợt truy quét loại tội phạm đặc biệt này, trong đó phải kể tới đợt truy quét diễn ra vào tháng 5/2024. Theo đó, lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng đã triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee gọi điện thoại tri ân khách hàng, kết bạn Zalo và hướng dẫn thực hiện giao dịch để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Công an tỉnh Cao Bằng đã bắt giữ 13 đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, thu giữ 17 máy tính xách tay cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan. Theo Công an tỉnh Cao Bằng, mỗi ngày, các đối tượng này gọi hàng nghìn cuộc điện thoại cho khách hàng để tiếp cận người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Tội phạm công nghệ cao là “tội phạm phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, có thể thực hiện hành vi phạm tội xuyên biên giới, lãnh thổ với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, Công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện các đợt tấn công truy quét các loại tội phạm công nghệ cao, tăng cường nắm bắt tình để kịp thời phát hiện các nguyên nhân, phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này để có biện pháp đấu tranh hiệu quả.
Cùng với đó, Công an tỉnh Cao Bằng cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến từng người dân, cơ sở, làng xã, thôn bản, đặc biệt là các khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về các phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm công nghệ cao, góp phần bảo vệ tài sản cho người dân và gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn.
Song song với đó, Công an tỉnh Cao Bằng cũng chú trọng nâng cao trình độ cán bộ, chiến sĩ trong việc làm chủ các trang thiết bị, phần mềm chuyên dụng, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong công tác nghiệp vụ. Khuyến khích các cán bộ chiến sĩ sáng tạo, linh hoạt trong cách tiếp cận, xử lý các vấn đề liên quan tới tội phạm công nghệ cao.