Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng, mặc dù Cao Bằng đã ban hành quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Nhưng trên thực tế việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin chưa được quan tâm đúng mức. Các đơn vị chưa được trang bị các biện pháp an toàn thông tin, chống xâm nhập trái phép, chống mất dữ liệu mạng nội bộ, chưa có giải pháp căn cơ cho việc lưu trữ dự phòng dữ liệu tại đơn vị. Nhiều máy tính cá nhân chưa được trang bị các phần mềm chống mã độc, trở thành nguồn lây nhiễm mã độc trong mạng nội bộ. Chưa tận dụng được hạ tầng của mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ kết nối thông tin giữa các cơ quan.

Trong 5 năm, mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Cao Bằng đã nỗ lực triển khai các dự án ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.Cụ thể, về xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tại Cao Bằng đã có 100% cơ quan nhà nước được trang bị mạng máy tính nội bộ, có kết nối Internet băng thông rộng. Qua từng năm số lượng cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng. Đến nay trên 90% công chức trong các sở, ban, ngành tỉnh, 80% công chức cấp huyện đã được trang bị máy tính phục vụ công việc. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

Về ứng ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước: Mức độ sử dụng thư điện tử trong công tác ngày càng phổ biến, đến nay tỷ lệ người dùng đạt trên 80% tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống thư điện tử công vụ phục vụ cho cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước tỉnh đã được xây dựng, có đủ chức năng, tính năng kỹ thuật theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu sử dụng. Hiện có trên 40% cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong công việc. Trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại 100% cơ quan chuyên môn của tỉnh và 13 UBND huyện, thành phố; thiết lập được tính năng liên thông văn bản giữa các cơ quan. 

Tính đến nay, có khoảng 30% số cơ quan đơn vị đã phát huy được hiệu quả, xử lý văn bản đến hầu hết qua mạng. Tỷ lệ văn bản được xử lý qua mạng nội bộ các cơ quan trong toàn tỉnh đạt 30%. Cao Bằng cũng ban hành quy định triển khai ứng dụng chữ ký số phục vụ trao đổi văn bản, tài liệu trong các cơ quan hành chính nhà nước, cấp phát thiết bị ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho 34 cơ quan gồm các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011 gồm 15 điểm cầu, đã phục vụ trên 40 phiên họp của HĐND, UBND tỉnh, các sở ngành với HĐND-UBND các huyện, thành phố. Một số ứng dụng CNTT khác cũng được triển khai hiệu quả tại các cơ quan nhà nước như quản lý ngân sách, tài chính - kế toán, quản lý tài sản …

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, việc triển khai ứng dụng CNTT ở Cao Bằng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Về hạ tầng kỹ thuật, mặc dù hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được cải thiện, song các máy tính, mạng máy tính đã được trang bị từ lâu nên đến nay đã xuống cấp, cấu hình trở nên thấp, mạng kém ổn định, tốc độ chậm. Tại trụ sở UBND của 12/13 huyện, thành phố trong khi điều kiện cho phép thiết lập mạng duy nhất, dùng chung 1 kết nối Internet nhưng thực tế đều hình thành từng mạng riêng của các phòng chuyên môn, kết nối Internet riêng. Tình trạng như vậy không đáp ứng việc triển khai các ứng dụng dùng chung, làm tăng chi phí dịch vụ kết nối mạng. Một số cơ quan cấp huyện, xã chưa trang bị được đầy đủ máy tính cho cán bộ, công chức (cấp huyện đạt 80%, cấp xã khoảng 40%).

Đặc biệt là việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin chưa được quan tâm đúng mức. Theo Sở TT&TT tỉnh Cao Bằng, các đơn vị trong tỉnh chưa được trang bị các biện pháp an toàn thông tin, chống xâm nhập trái phép, chống mất dữ liệu mạng nội bộ, chưa có giải pháp căn cơ cho việc lưu trữ dự phòng dữ liệu tại đơn vị. Nhiều máy tính cá nhân chưa được trang bị các phần mềm chống mã độc, trở thành nguồn lây nhiễm mã độc trong mạng nội bộ. Chưa tận dụng được hạ tầng của mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ kết nối thông tin giữa các cơ quan.

Tại một hội thảo về an toàn an ninh thông tin được tổ chức mới đây, đại diện Bộ TT&TT cho hay, Việt Nam vừa trải qua một quá trình ứng dụng và phát triển CNTT rất nhanh và trên nhiều lĩnh vực như Chính phủ điện tử, kinh doanh, giao dịch trực tuyến... nên thách thức trong vấn đề an toàn thông tin rất cao. Hiện tại, nhiều cơ quan, tổ chức không có đủ khả năng nhận biết các cuộc tấn công mạng. Công tác đảm bảo an toàn thông tin của chúng ta còn ở thế bị động. Nhiều cơ quan, tổ chức còn chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó với các sự cố và khi xảy ra các vụ tấn công.

 Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn thông tin lại liên tục biến động nên rất khó để lường hết những vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai. Chính vì vậy, các chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin đã khuyến cáo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần linh hoạt, mềm dẻo với những nguy cơ đã biết và nguy cơ chưa biết.