- Cả 7 trường hợp tử vong đều là trẻ em dưới 6 tháng tuổi và hiện vẫn còn 12 trường hợp khác có dấu hiệu nghi nhiễm viêm não cấp.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, từ ngày 19/4-25/5, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có tới 7 trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong nghi do viêm não cấp với các triệu chứng như ho, sốt, viêm đường hô hấp.

Tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm hiện vẫn đang điều trị cho 12 bệnh nhi có những dấu hiệu tương tự viêm não cấp.

{keywords}

1 bệnh nhi viêm não đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: D.Ngọc

Sáng 27/5, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo về ổ dịch, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đến địa phương để hỗ trợ điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát và xử lý ổ dịch.

Ngoài ra Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế Cao Bằng phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc viêm não cấp, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan rộng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên toàn tỉnh nếu cần thiết.

Đến chiều 27/5, Cục Y tế dự phòng thông báo, xác nhận các cháu bé tại Cao Bằng dương tính với virus gây viêm não Coxsackie A6.

Cục Y tế dự phòng đánh giá, việc lây truyền căn bệnh này do tiếp xúc với dịch mũi họng và phân cũng như những giọt khí dung của người bị nhiễm (bao gồm người bệnh và người lành mang trùng).

Viêm não cấp ở trẻ em do virus gây ra, bệnh có tỉ lệ tử vong 10-15% và khoảng 35% để lại di chứng rất nặng như liệt, co quắp chân tay hoặc không còn ý thức, sống thực vật.

Trẻ bị viêm não cấp thường khởi bệnh đột ngột với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, ói mửa, lờ đờ, bỏ ăn; đôi khi có thể kèm theo ho, tiêu chảy. Biểu hiện của bệnh khá giống với các bệnh sốt khác nên phụ huynh thường chủ quan bỏ qua, điều trị tại nhà.

Tuỳ theo nguyên nhân, diễn tiến của viêm não cấp có thể khiến trẻ tử vong trong 24 giờ đầu hay sau 3-7 ngày hôn mê.

Để phòng ngừa bệnh viêm não cấp, cần diệt muỗi, ngủ màn, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ cho trẻ không bị cảm cúm trong giai đoạn chuyển mùa.

Cách phòng bệnh viêm não hiệu quả nhất là tiêm vắc xin đúng lịch, không nên đợi khi dịch bùng mới tiêm. Viêm não có nhiều chủng, nhưng hiện ở Việt Nam mới có vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản.

T.Hạnh