Cong nghiep dien tu.JPG
Bao giờ các nhà sản xuất điện tử tại Việt Nam có thể dùng linh kiện điện tử do doanh nghiệp nội địa sản xuất? Ảnh: X.B

>> Nghịch lý ngành công nghiệp phần cứng Việt

Tìm đâu linh kiện nội địa?

Tại Hội thảo Chiến lược công nghiệp và phát triển cụm liên kết ngành diễn ra sáng nay, 28/3/2013 (do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI phối hợp tổ chức với Quỹ Kinh tế Nhật Bản), ông Trương Thanh Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết rất nhiều tập đoàn điện tử - tin học đã và đang tìm đến Việt Nam để triển khai các dự án quy mô tương đối lớn. Chẳng hạn, Tập đoàn Kyocera của Nhật Bản vừa xây dựng xong một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị thông tin liên lạc tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ yên. Mới đây, Samsung đã khởi công dự án đầu tư nhà máy sản xuất thứ 2 của mình ở Việt Nam tại Thái Nguyên (nhà máy thứ nhất đã hoạt động hiệu quả tại Bắc Ninh) với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD. Bộ Công Thương cũng đang xem xét một dự án của LG tại Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Theo mô hình chuỗi cung ứng, mỗi tập đoàn, doanh nghiệp kể trên đều cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là việc cung cấp linh kiện điện, điện tử. Thế nhưng, đến giờ doanh nghiệp điện tử nội địa vẫn chưa “thò” được “chân” vào danh sách nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đó.

“Chỉ riêng nhà máy điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh đã cần đến 200 nhà cung cấp các sản phẩm, linh kiện hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt hầu như không lọt vào được danh sách nhà cung cấp các loại linh kiện điện, điện tử mà thường chỉ cung cấp được những vật tư linh kiện đơn giản như hộp xốp, vỏ bao bì... Ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp điện tử trong nước đang phát triển chậm và không đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất”, ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.

Ths. Hoàng Minh Ngọc, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Kinh doanh và Hợp tác quốc tế, Công ty Đầu tư & Phát triển N&G nhận định: “Phân tích tình hình cung ứng linh kiện điện, điện tử cho các doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam hiện nay thì thấy vẫn còn tới 47% các loại linh kiện phải nhập khẩu, 40% do doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cung cấp, chỉ có 1% do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Ví dụ cụ thể hơn, tại Canon, riêng với máy văn phòng, 18% là sản phẩm liên doanh, 13% là sản phẩm của doanh nghiệp FDI, 10% của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại gần 60% vẫn là hàng nhập khẩu”.

Ở góc độ “người trong cuộc”, Makoto Kambe - Giám đốc cấp cao Trung tâm kế hoạch, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: “Canon đã có định hướng mở rộng chiến lược nội địa hóa và nhà cung cấp tại Việt Nam. Song việc hỗ trợ nội địa hóa linh kiện còn gặp khó khăn như hiếm nhà cung cấp linh phụ kiện nào của Việt Nam đạt được trình độ công nghệ cao; phần lớn các công ty Việt Nam tập trung vào những sản phẩm như hộp, băng dính... có độ chính xác công nghệ thấp”.

“Kỳ vọng của Canon Việt Nam là mua được nhiều chi tiết, linh kiện sản xuất tại Việt Nam. Những sản phẩm ưu tiên gồm có: đầu dây nối, USB, tụ điện, LED... Chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam hỗ trợ lựa chọn các công ty nội địa chất lượng cao, quản lý các dự án nội địa hóa và hỗ trợ khởi động những kế hoạch mới. Từ nay đến 2015, Canon sẽ hỗ trợ mở rộng nội địa hóa những sản phẩm như USB, thẻ nhớ… và các sản phẩm trên bảng mạch như dây nối“, ông Makoto Kambe cho biết thêm.

Cơ quan quản lý "ra tay"

Để giúp các doanh nghiệp điện tử nội địa không bỏ phí cơ hội kinh doanh, Bộ Công Thương đã nghĩ ra một “chiêu thức” mới. Chẳng hạn, với dự án xây dựng nhà máy tại Thái Nguyên của Samsung, Bộ Công Thương yêu cầu Samsung phải đưa những doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 của họ vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho những doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 đó để dần dần cải thiện công nghệ, tăng khả năng tiếp cận và thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho Samsung.

“Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam nên cố gắng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm linh kiện của các tập đoàn có thương hiệu và thị trường toàn cầu để nâng cao trình độ sản xuất và làm chủ công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển, tiến tới tạo được sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ nội địa hóa cao”, ông Hoài khuyến nghị.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sản phẩm điện tử Việt Nam đã xuất khẩu đi gần 50 nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đạt khoảng 18 tỷ USD song hơn 90% kim ngạch xuất khẩu do khối FDI thực hiện.