Người bứt phá, kẻ thụt lùi
Tính đến thời điểm hiện nay, hệ thống HC sau khi liên tục mở rộng điểm bán hiện đang sở hữu 12 siêu thị, Trần Anh 11 và Media Mart tạm dẫn đầu với 14 siêu thị.
Độ phủ của các siêu thị đã vươn đến nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa… bên cạnh thị trường truyền thống và có số lượng điểm bán lớn nhất là Hà Nội.
Chưa dừng lại, phía Trần Anh cũng lên tiếng cho hay trong tháng 9 sẽ tiếp tục mở 2 điểm mới tại Hải Dương và Nam Định; HC mở tại Hải Phòng và Nghệ An; Media Mart mở tại Vĩnh Phúc…
Trong khi đó, Pico và TopCare là hai cái tên cũng gây được chú ý nhưng không phải vì có tốc độ phát triển nhanh mà do hiện nay hoạt động khá “hụt hơi”, thậm chí vừa trải qua bước đi thụt lùi, số lượng điểm bán ít hơn rất nhiều so với 3 đối thủ nói trên.
Cụ thể với trường hợp của Pico, sau khi thông báo tạm dừng hoạt động của điểm bán đặt tại số 20 Cộng Hòa (TP.HCM) kể từ ngày 1/3/2014, thì chỉ vài tháng sau, thương hiệu này đã tiếp tục gây bất ngờ bằng tuyên bố chính thức dừng hoạt động tại số 35 Hai Bà Trưng (Hà Nội) sau hơn 6 năm kinh doanh tại đây.
Như vậy, nếu như cuối năm 2013 Pico có 6 điểm bán thì hiện nay con số đang hoạt động chỉ là 4, đồng thời, thương hiệu này cũng chưa hé lộ bất kỳ động thái nào về việc sẽ mở rộng.
Còn với trường hợp của TopCare, trong khi vẫn dậm chân tại chỗ với 4 siêu thị thì những ngày cuối tháng 7 vừa qua, hệ thống này đã gây chú ý khi có đến 2 sự thay đổi, điều chỉnh về logo nhận diện thương hiệu (từ màu đỏ sang màu xanh) tại các siêu thị và trên website.
Và với logo “TopCare” dùng chữ “O” cách điệu hình con sóng hao hao logo Tập đoàn Đại dương (Ocean Group), thực tế đã nhanh chóng dấy lên nghi vấn Ocean Group chính thức thâu tóm, tiếp quản TopCare từ tay Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Ngôi sao Châu Á.
Tuy nhiên, rất bất ngờ là cuối tháng 7 vừa qua, Ocean Group đã lên tiếng phủ nhận thông tin, đồng thời đề nghị phía TopCare không sử dụng logo giống nhận diện thương hiệu của Ocean Group.
Theo nguồn tin của ICTnews, bắt đầu từ năm 2013 và nhất là từ đầu năm 2014 đến nay, TopCare đang ở trong giai đoạn gặp nhiều thách thức. Hiện hệ thống này đang bắt tay vào quá trình tái cơ cấu để có thể vượt qua tình cảnh khó khăn.
Sẽ có thêm doanh nghiệp rời bỏ cuộc chơi
Với mức tăng trưởng như hiện nay, thị trường điện máy vẫn đang là mảnh đất màu mỡ thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng tài chính nhảy vào cuộc đua tìm kiếm điểm bán mới, mở rộng thị phần.
Theo đánh giá của GfK đưa ra gần đây, ngay trong 3 tháng đầu năm 2014, tổng chi tiêu của thị trường điện máy tại Việt Nam đã tăng 27,5% so với cùng kỳ 2013, đạt xấp xỉ 35.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, việc chỉ trong nửa đầu năm 2014 thị trường điện máy đã chứng kiến Việt Long (một trong những thương hiệu lớn nhất nhì ở Hà Nội ngay từ năm 2002 - PV) chính thức rời bỏ sân chơi thị trường điện máy, Pico từ 6 điểm bán hiện chỉ còn hoạt động 4, TopCare đang “vất vả” trong công cuộc tái cơ cấu… thì thực tế đó cũng đang cho thấy cuộc “thanh lọc” thị trường điện máy đang ngày càng trở nên khốc liệt, thị trường phía Bắc hiện đang hình thành top 3 doanh nghiệp đeo bám nhau quyết liệt trong việc mở rộng điểm bán.
Trao đổi với ICTnews, lãnh đạo của một doanh nghiệp điện máy khẳng định thị trường trong nước đang chứng kiến sự đào thải khắc nghiệt. Cuộc chạy đua đang dần “lộ sáng” những doanh nghiệp đuối sức hụt hơi và thị trường sẽ còn tiếp tục được chứng kiến có thêm doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi chỉ trong khoảng 1 năm tới.