Anh Hà Văn Nguyên, 40 tuổi ở Quảng Ninh bị tai nạn lao động do dây tời cuốn, khiến cánh tay phải bị nhổ giật đứt rời hoàn toàn khỏi cơ thể. Bệnh nhân đau đớn ngã quỵ, máu chảy rất nhiều.

Ngay sau đó, anh Nguyên được đồng nghiệp chuyển đến BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu cầm máu, bảo quản cánh tay trong nước đá rồi chuyển lên BV TƯ Quân đội 108.

Tại BV 108, ekip phẫu thuật của BS Vũ Hữu Trung, khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật đã phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp “trồng nối” cánh tay phải cho bệnh nhân bằng kĩ thuật vi phẫu.

{keywords}
Cánh tay đứt rời sau nhiều tiếng đồng hồ đã được trồng nối lại 


Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài trong suốt 5 giờ. Nhờ hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất, các bác sĩ có thể phóng to và thực hiện những kĩ thuật vi phẫu phức tạp mà mắt thường không nhìn thấy được.

“Việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác cực khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể”, BS Trung chia sẻ.

May mắn, ca ghép nối thành công. Sau mổ, cánh tay được tưới máu tốt, hồng hào trở lại, vết nối khô.

{keywords}
Bệnh nhân vẫn đang được điều trị phục hồi tại BV 108


Theo BS Trung, mỗi năm khoa tiếp nhận rất nhiều các trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động bị đứt rời chi thể (tay, chân, cán tay, cẳng tay, cánh tay, cẳng chân, bàn chân...).

Tỉ lệ ghép nối thành công các bộ phận này phụ thuộc vào việc bảo quản đúng cách. Cách sơ cứu khi bị tai nạn đứt rời chi thể là tập trung cầm máu tại vết thương trước. Nâng vết thương cao bằng tim để duy trì tuần hoàn.

Với phần chi thể bị đứt rời, cần rửa nhẹ nhàng với nước sôi để nguội hoặc nước muối loãng để làm sạch đất cát. Sau đó bọc phần đứt rời trong miếng vải, gạc sạch, bỏ tất cả vào túi nilon sạch và buộc chặt miệng túi. Cuối cùng, thả toàn bộ túi nilon vào thùng có chứa nước đá lạnh.

Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không rửa chi đứt lìa bằng xà phòng hoặc bỏ vào chậu nước. Không bỏ trực tiếp chi đứt lìa vào thùng nước đá lạnh sẽ gây bỏng lạnh.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh