Theo số liệu thống kê, toàn TP Hà Nội có khoảng 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Tuy nhiên, theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, trong số này chỉ có 15 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh và có thể mở cửa hoạt động trở lại.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn Thành phố chưa thể quay trở lại hoạt động do không đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại Hà Nội đang khắc phục các điều kiện về đảm bảo PCCC.
Chị Hà Thị Xuân, quản lý cơ sở karaoke (Hà Đông, Hà Nội), cho biết, những yêu cầu liên quan tới vật liệu chống cháy là vấn đề khiến cho cơ sở kinh doanh của chị khó có thể đáp ứng được quy định về an toàn PCCC.
Chị Xuân cho biết, khi tìm hiểu về sản phẩm bọc chống cháy, chị bị hoa mắt vì có rất nhiều loại sơn, vữa chống cháy khác nhau, không biết loại nào đảm bảo yêu cầu. Trong khi đó, khi tìm tới các nhà thầu để được tư vấn, mỗi nhà thầu lại đưa ra một phương án sơn khác nhau khiến chị cảm thấy bị rối.
Theo anh Nguyễn Xuân Trường, chủ hộ kinh doanh karaoke (Thạch Thất, Hà Nội), những quy định liên quan tới vật liệu chống cháy đối với quán karaoke đang làm khó anh bởi những vật liệu này khó mua, giá thành cao, lại chưa chắc đã được đảm bảo nghiệm thu PCCC nếu như không may lựa chọn phải sản phẩm không đảm bảo yêu cầu.
Những người kinh doanh dịch vụ karaoke như chị Xuân và anh Trường cho biết, họ rất mong cơ quan chức năng có thể giải đáp, cung cấp những thông tin cụ thể liên quan tới sản phẩm, vật liệu chống cháy đủ điều kiện để sử dụng cho các công trình.
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH lên tiếng
Liên quan tới những khúc mắc của các hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, trên thị trường, các sản phẩm, vật liệu bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình khá đa dạng.
"Chủ đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn những sản phẩm bọc chống cháy có thông số kỹ thuật cụ thể để phục vụ cho thiết kế chứ không nên lựa chọn sản phẩm dựa trên kinh nghiệm, không có thông số kỹ thuật", Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất có thể đáp ứng các yêu cầu này gồm:
Sơn chống cháy NTS-101 của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ mới Việt Nam, Sơn chống cháy ICONER của Công ty TNHH Vật liệu tiên tiến DESAM; Công ty cổ phần Kỹ Thuật và Thương Mại SBC Việt Nam.
Vị đại diện Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết thêm, dự kiến trong thời gian tới, sẽ có nhiều sản phẩm trong nước khác được công bố đảm bảo chất lượng để chủ đầu tư, người dân có thêm nhiều sự lựa chọn.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng thông tin thêm về một số sản phẩm bọc chống cháy nhập khẩu đã được các tổ chức quốc tế kiểm nghiệm, có tập hợp số liệu kỹ thuật cụ thể để phục vụ cho thiết kế như:
Vữa chống cháy Isolatek Type M-II (Greentech Asia Pacific/ Malaysia sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC).
Vữa chống cháy Monokote Z-106/HY (GCP AppliedTechnologies/ Hàn Quốc sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC).
Sơn chống cháy CharFomax SH-100 (Công ty Samhwa Paint/ Hàn Quốc); Sơn chống cháy Firemask SQ476 (Công ty KCC Corporation/ Hàn Quốc).
Sơn chống cháy Steelmaster 60WB, Steelmaster 1200WF (Công ty Jotun A/S).
Các sản phẩm của Promat như: Tấm ốp chống cháy (tên thương mại PROMATECT®H), vữa chống cháy (tên thương mại PROMASPRAY®C450), Sơn chống cháy (tên thương mại PROMAPAINT®SC3)…
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, các chủ đầu tư cần tỉnh táo, lựa chọn những sản phẩm có thông số kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của công trình.