Trưa 4/4, một nguồn tin xác nhận, sau phản ánh của báo VietNamNet về bãi lưu huỳnh tập kết lộ thiên ven sông Cầu (xã Trung Giã), đoàn kiểm tra của TP Hà Nội đã xác minh thực địa vào sáng 4/4.
"Thời điểm kiểm tra, đơn vị tập kết lưu huỳnh đã di dời gần hết bãi hóa chất mà báo phản ánh, chỉ còn sót lại một số hạt lưu huỳnh lẫn trong cát và đất", nguồn tin cho biết.
Được biết vị trí tập kết nêu trên thuộc Cảng Hòa Bình. Ngày 15/3, số lưu huỳnh trên được tập kết tại cảng. Tuy nhiên, đến 31/3, theo ghi nhận của VietNamNet, số lưu huỳnh trên vẫn sừng sững mép sông Cầu mà không hề được che chắn.
Một lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an sáng 4/4, xác nhận với VietNamNet đã chuyển nội dung đến Công an TP Hà Nội để vào cuộc kiểm tra, xác minh.
Theo ông Khổng Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trung Giã, số lưu huỳnh trên của Hợp tác xã Hòa Bình.
"Họ tập kết lên cảng rồi trung chuyển đi đến nơi khác. Cảng này vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai nên sắp tới chúng tôi kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động", ông Hoàn nói thêm.
Không riêng tại Hà Nội, trước đó, VietNamNet phản ánh loạt bài về bãi lưu huỳnh gần 2.000 tấn lộ thiên ở Cảng Việt Trì, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngay lập tức, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở TN&MT, Sở Công Thương, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, xác minh và kiên quyết xử lý.
Năm 2017, báo VietNamNet cũng phản ánh về việc tập kết gần 4 vạn tấn lưu huỳnh tại cảng tại Hải Phòng.
Trước việc nhiều người chủ quan về tác hại mà lưu huỳnh gây ra, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất, phải tuân thủ các quy định trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi được quy định tại Quy chuẩn 05 của Bộ Công Thương về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất.
Ông Tùng không đồng tình với quan điểm cho rằng, việc vận chuyển lưu huỳnh không độc hại nên “tập kết tạm thành bãi” cũng không nghiêm trọng.
TS. Hoàng Dương Tùng cảnh báo, mọi người đang lầm tưởng rằng lưu huỳnh không độc hại. Thực chất lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,... Nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc gián tiếp.
Ngoài ra, khi đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao, khí SO2 sẽ được hình thành, gây ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, mưa axit…
Đề cập về việc các bãi lưu huỳnh tập kết lộ thiên, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng lưu huỳnh rất dễ cháy, sẽ gây ra tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường.
“Lưu huỳnh khi đốt cháy sẽ sinh ra khí SO2, đây là khí độc. Nếu có tình huống không may, cả bãi lưu huỳnh lộ thiên ấy bị cháy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mắt, tai, mũi, họng, gây khó thở cho người dân sống xung quanh”, ông Tùng cảnh báo.
Ông Tùng cảnh báo: Bụi lưu huỳnh hoặc khí SO2 khi xâm nhập vào phổi, tim, mắt, họng, tai… nhẹ thì gây ngạt mũi, đau đầu, nặng hơn có thể gây khó thở, viêm phế quản, thậm chí có thể khiến ngộ độc máu, tử vong.