Dư luận bất bình vụ hai cảnh sát hình sự Công an TP Phan Thiết đề nghị hai cô gái cho kiểm tra giấy tờ xe, đưa về phường kiểm tra số khung. Ai được quyền dừng xe, kiểm tra xe?
Cảnh sát hình sự có quyền kiểm tra phương tiện giao thông?
Nhiều bạn đọc cho rằng hiện tượng lạm quyền xảy ra trong giới công an hiện nay đang ngày càng trở nên khó kiểm soát.
“Căn cứ vào thông tin được cung cấp trên báo, nội dung vụ việc, tôi cho rằng hai cảnh sát thuộc đội điều tra Công an TP Phan Thiết đã có dấu hiệu trong việc lạm quyền” - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nhận định.
Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, thứ nhất, cần làm rõ yếu tố quyền hạn của cảnh sát hình sự. Căn cứ theo quy định nêu trên, hai cảnh sát trên không có quyền trong việc kiểm tra giấy tờ phương tiện tham gia giao thông và cũng không có thông tin tố giác về việc vi phạm pháp luật của người điều khiển.
Hai người xưng cảnh sát hình sự trong clip |
Điều đặc biệt là đội cảnh sát điều tra Công an TP Phan Thiết cũng xác nhận là không có kế hoạch làm việc, kiểm tra tại địa điểm nêu trên. Hai cảnh sát nêu trên đang ngoài giờ làm việc, không liên quan đến hoạt động kiểm tra giao thông, cũng như điều tra.
Thứ hai là quy trình làm việc khi tiến hành kiểm tra cần xem lại.
Khi tiến hành kiểm tra, cán bộ kiểm tra có nghĩa vụ phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có) liên quan đến vụ việc. Theo clip được cung cấp, hai cán bộ cũng không xuất trình kế hoạch nào liên quan đến việc kiểm tra.
Thước đo chuẩn mực pháp lý
LS Huỳnh Phước Hiệp cho rằng hình ảnh cảnh sát là hình ảnh đẹp. Mỗi lời nói, mỗi hành động của chiến sĩ cảnh sát như là những thước đo sự chuẩn mực pháp lý.
Chính vì vậy, mỗi lời nói, mỗi hành động sai sẽ làm ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến hình ảnh đẹp này.
"Xem clip thì thấy sự việc xảy ra không gây hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên hình ảnh các chiến sỹ cảnh sát này nói riêng, hình ảnh cảnh sát nói chung đang bị làm xấu", ông Hiệp nói.
LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng Công an TP Phan Thiết cần phải điều tra làm rõ hành vi của 2 cán bộ này. Kết luận điều tra phải được thông báo đến người bị gây thiệt hại và trong trường hợp vi phạm kỷ luật thì cũng cần phải nghiêm minh xử lý, tuyệt đối không bao che.
“Chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, chúng ta cần phải siết chặt kỷ cương và mạnh dạn loại bỏ những con sâu làm rầu nồi canh!” - ông Trạch nhấn mạnh.
Lực lượng cảnh sát khác làm gì? Căn cứ điều 87 Luật giao thông đường bộnăm 2008, theo đó cảnh sát giao thông là người có thẩm quyền trong việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Lực lượng cảnh sát khác chỉ tham gia tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết. Căn cứ theo nghị định 27/2010/NĐ-CP, lực lượng cảnh sát khác chỉ tiến hành tham gia tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông đường bộ chỉ được dừng phương tiện trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật, cụ thể là điều 14 thông tư 65/2012/TT-BCA. Căn cứ theo quy định nêu trên, cảnh sát hình sự được xem là lực lượng cảnh sát khác nên không có thẩm quyền trong việc tuần tra, kiểm tra người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi không có kế hoạch. TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch |
(Theo PLO)