Luật quy định rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam
Cụ thể, cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Đồng thời bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Luật cũng quy định, cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển.
Cảnh sát biển là đơn vị nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
Tàu cảnh sát biển 8020 của Việt Nam |
Cảnh sát biển Việt Nam còn có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
Cảnh sát biển là đơn vị đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển; tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển…
Có quyền bắt giữ tàu biển theo quy định
Về quyền hạn, luật quy định, cảnh sát biển Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Cảnh sát biển Việt Nam có quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự; truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.
Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam có quyền bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển và một số thẩm quyền khác...
Luật dành riêng điều 17 quy định rõ việc thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển.
Cụ thể, cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trong các trường hợp: vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam; thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi…
Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Bích Hạnh
Ảnh: Đoàn Bổng