Trong cuộc trò chuyện với báo chí mới đây, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển đã chia sẻ về vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế biển.

{keywords}
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam.

Nghị quyết 36 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng an ninh trên hướng biển

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36).

Triển khai thực hiện Nghị quyết 36, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ Tám, BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết nhấn mạnh, Nghị quyết 36 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng an ninh trên hướng biển.

Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ: Xây dựng lực lượng vững mạnh, nòng cốt là Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, kết hợp cùng lực lượng các quân khu ven biển, kiểm ngư, dân quân tự vệ biển... bảo đảm năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật trên biển, nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển, đảo và các hoạt động phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển thông qua hoạt động kinh tế - quốc phòng.

Điều đó cho thấy, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Chính phủ ta về phát triển kinh tế biển phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và khẳng định vai trò của các các lực lượng thực thi pháp luật trên biển nói chung và Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Với vị trí là lực lượng vũ trang, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đóng vai trò to lớn trong nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế biển đảm bảo quốc phòng, an ninh biển.

Cảnh sát biển Việt Nam đóng vai trò to lớn trong nhiệm vụ góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh biển

{keywords}
Tổ công tác của BTL Vùng Cảnh Sát biển 3 trực tiếp đến khu neo đậu tàu thuyền Lạch Trù, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về chủ quyền biển đảo cho ngư dân.

Phó Chính ủy Cảnh sát biển chia sẻ với báo Tài nguyên môi trường: Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chức năng của Nhà nước nắm chắc tình hình mặt biển; thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, dự báo các tình huống có thể xảy ra trên biển; kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển hiệu quả, đúng đường lối, đối sách góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; thiết thực xây dựng vùng biển Việt Nam, khu vực hòa bình, an ninh, an toàn và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; thực hiện hoạt động bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển; tuyên truyền pháp luật, yêu cầu hơn 15.000 lượt tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện hàng trăm tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, xử lý theo pháp luật; kiên quyết ngăn chặn và phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý tốt các tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Trong năm 2019 và sáu tháng đầu năm 2020 đã phát hiện và xử lý hơn một nghìn phương tiện, tàu thuyền vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới hàng chục tỷ đồng; tiến hành điều tra bắt giữ, xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, phát mại tài sản sung ngân sách của Nhà nước lên đến hàng trăm tỉ đồng góp phần ổn định an ninh kinh tế.

Cảnh sát biển Việt Nam cũng phối hợp lực lượng liên quan, hướng dẫn, tuyên truyền các đối tượng hoạt động trên biển chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các vi phạm, tội phạm trên biển để phát triển kinh tế.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Triển khai chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các xã, huyện đảo; lấy đầu mối Hải đoàn, Hải đội Cảnh sát biển kết nghĩa với một xã, huyện đảo để tổ chức phối hợp các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình, từ năm 2017 đến nay tổng kinh phí huy động để hỗ trợ ngư dân hơn 15 tỷ đồng. Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân trên biển, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo và phát triển kinh tế biển.

Với tinh thần không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng vượt qua sóng to, bão lớn để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân hoạt động trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện thành công hàng trăm vụ cứu dân, cứu tàu nơi biển xa, thực hiện đúng “mệnh lệnh từ trái tim”. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện trên 200 vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; cứu kéo hàng trăm phương tiện với hơn 1.000 ngư dân gặp nạn; tìm vớt được 19 thi thể, trong đó có 4 phương tiện và 34 thủy thủ tàu nước ngoài; lai dắt 361 tàu cá của ngư dân vào khu vực neo đậu an toàn.

Không chỉ làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, góp phần gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển còn tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến về các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế biển đặc biệt là các dự án liên quan đến xây dựng phát triển hệ thống cảng biển, điện gió, dầu khí, du lịch vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển.

Đỗ Thúy Hạnh
Ảnh: Lương Bằng